Việc nhìn trực tiếp vào bề mặt một ngoại hành tinh hãy còn là chuyện viễn tưởng, nên từ lâu các nhà khoa học vẫn phát triển các công nghệ nhằm định lượng khả năng sống được của một hành tinh dựa trên bầu khí quyển của nó. Lý tưởng nhất là phát hiện ra một loại khí đặc trưng sinh học, trong đó oxy được coi là "dấu hiệu vàng": nó có thể vừa nuôi dưỡng sự sống, vừa sinh ra từ sự sống nhờ quá trình quang hợp.
Một hành tinh đá sơ khai - quả cầu magma nóng chảy - có thể tiến hóa thành bản sao của Trái Đất hoặc 3 kiểu hành tinh "giả mạo" dấu hiệu sự sống: bản sao Sao Kim, hành tinh đại dương và hành tinh sa mạc - Ảnh:Joshua Krissansen-Totton
Tuy nhiên nghiên cứu mới trên AGU Advances đã chỉ ra những dạng hành tinh có thể tồn tại oxy mà không cần đến sự sống.
Theo tiến sĩ Joshua Krissansen-Totton từ Khoa Thiên văn và Vật lý thiên văn, Đại học California ở Santa Cruz (Mỹ), tác giả đứng đầu nghiên cứu, việc phân định giữa oxy sinh học và oxy sinh ra từ các quá trình khác sẽ rất quan trọng trong cuộc tìm kiếm các ngoại hành tinh có sự sống.
Theo EurekAlert, với các hành tinh đá giống Trái Đất, các quá trình như sự giải phóng carbon monoxide và hydro từ đá nóng chảy, sự phong hóa của đá… sẽ khử hết toàn bộ oxy tự nhiên được sinh ra khi ánh sáng cực tím phân tách nước. Trái Đất giữ được trạng thái cân bằng và ngập đầy oxy là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn lam hàng tỉ năm trước, sinh vật chuyên "ăn" các khí độc hại và nhả ra oxy, nhanh hơn cả quá trình thất thoát. Nói cách khác, nếu không có sự sống, Trái Đất không có oxy.
Nhưng một số mô hình dẫn đến các kịch bản hoàn toàn khác: đó là 3 kiểu thế giới có oxy mà không cần đến sự sống.
Thứ nhất, đó là một hành tinh giống Trái Đất nhưng nhiều nước hơn – tức dạng hành tinh đại dương – sẽ sở hữu những đại dương rất sâu, gây áp lực lên lớp vỏ và ngăn chặn các hoạt động địa chất nên không có sự tan chảy hay phong hóa của đá, vì vậy oxy không bị khử khỏi khí quyển.
Thứ hai, đó là dạng "hành tinh sa mạc" rất ít nước, bề mặt magma nóng chảy sơ khai bị đóng băng nhanh chóng khi nước vẫn còn trong khí quyển. Bầu khí quyển quá nhiều hơi nước này cho phép tích tụ oxy khi nước vỡ ra và các nguyên tử hydro thất thoát ra vũ trụ.
Thứ ba, là những hành tinh giống Trái Đất nhưng tỉ lệ carbon dioxide so với nước cao hơn, dẫn đến hiệu ứng nhà kính khắc nghiệt giống Sao Kim, nước trở nên quá nóng và ngưng tụ thành "biển mây". Hầu hết các chất bay hơi trên dạng hành tinh này đã bị "giam lỏng" trên biển mây đó, số mắc kẹt lại trong lớp phủ - thứ có thể khử oxy - quá ít ỏi.
Vì vậy, theo nhóm nghiên cứu, bên cạnh công cụ để tìm kiếm dấu hiệu của "khí sự sống" là oxy, rất cần phát triển song song các công cụ giúp xác định loại hành tinh đó có phải một trong 3 loại hành tinh có khả năng "giả mạo" sự sống nói trên hay không, từ đó định hướng chuẩn xác hơn cuộc săn tìm "người ngoài hành tinh"
Bình luận (0)