Sốc hơn, tuổi đời của khối đá ngoài hành tinh là 4 tỉ năm: nếu chất hữu cơ này thực sự đến từ sinh vật sống, rõ ràng hành tinh quê hương của nó có thể có sự sống trước cả trái đất chúng ta.
Thiên thạch mang tên ALH 84001, được khai quật ở Nam Cực và đã xác định được "địa chỉ gửi": Sao Hỏa. Theo 2 tác giả chính là tiến sĩ Atsuko Kobayashi từ Viện Công nghệ Tokyo và tiến sĩ Mizuho Koike từ Viện Không gian và khoa học thiên văn JAXA (Nhật Bản), thiên thạch kỳ lạ chứa khoáng chất cacbonat màu da cam, kết tủa từ nước lỏng mặn trên bề mặt Sao Hỏa 4 tỉ năm trước.
Cận cảnh bề mặt của thiên thạch được Sao Hỏa "gửi" trái đất từ 4 tỉ năm trước với màu cam của chất cacbonat cổ đại và cả phân tử hữu cơ - ảnh: Koike
"Mỏ vàng" trong đó chính là các phân tử hữu cơ chứa nitơ. Sự xuất hiện đồng thời của phân tử hữu cơ và khoáng chất xác định nguồn gốc – niên đại đã cung cấp bằng chứng thú vị về một Sao Hỏa từng có sự sống và có thể từng xanh tươi trước khi bị khô cạn và chết chóc như ngày nay.
Phân tích các phân tử hữu cơ này và đối chiếu với các bằng chứng về khối xây dựng sự sống khác mà robot thăm dò Sao Hỏa của NASA từng tìm được, các nhà khoa học một lần nữa xác nhận dạng tồn tại của nitơ trong các phân tử này phù hợp với điều kiện của Sao Hỏa non trẻ vài tỉ năm trước.
Thiên thạch ALH 84001 - ảnh: Koike
Có 2 nguồn gốc khả dĩ cho thứ "vật liệu sự sống" đáng ngạc nhiên này. Một là nó đã được đem tới Sao Hỏa non trẻ trên các chuyến "tàu vũ trụ" tiểu hành tinh hoặc sao chổi, giống như cách trái đất đã được gieo mầm sự sống. Hai là, chất hữu cơ thực sự đã được Sao Hỏa sinh ra nhờ các phản ứng hóa học cổ đại.
Tiến sĩ Koike nhận định: "Sao Hỏa sơ khai có thể giống trái đất hơn, ít hiện tượng oxy hóa hơn, ẩm hơn và giàu chất hữu cơ. Và có thể nó mang màu xanh".
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Bình luận (0)