Theo nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà nhân loại học Emily Hallett từ Viện Max Planck về Khoa học lịch sử nhân loại (Đức), đó là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nhân loại.
Một số mảnh xương được dùng làm công cụ tạo ra quần áo cổ đại - Ảnh: Viện Max Planck
Và việc niên đại của "xưởng thời trang" lên tới 120.000 năm thực sự là một bất ngờ. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã thu thập được tổng cộng 12.000 mảnh xương tại Hang Contrebandiers bên bờ Đại Tây Dương. Trong đó có hơn 60 mẩu xương đã được dùng làm công cụ xử lý da thú.
Nói trên tờ Science Alert, tiến sĩ Hallett cho biết các vật liệu hữu cơ như da và lông thú khó có thể được bảo quản trong trầm tích cổ đại, nhưng việc phát hiện ra những công cụ chế tác da thú đã gián tiếp nói về những hoạt động thời cổ đại. Một số mẩu xương khác tại địa điểm cũng cho thấy những vết xương đặc trưng của việc bị lột da.
Phát hiện mới này còn cho thấy một bước tiến hóa lớn của loài người trên đường chinh phục những môi trường sống mới. Khi rời châu Phi, họ phải đối diện với các điều kiện khí hậu khác nhau, đó có thể là kích thích tố cho việc sáng tạo ra quần áo và hàng loạt công cụ mới.
Ba loài được lấy da phổ biến nhất theo tàn tích trong hang động này là cáo Ruppell, chó rừng vàng và mèo rừng, đều là những loài cổ đại nhưng có nhiều đặc điểm tương đồng họ hàng hiện đại. Ngoài ra, những người "thợ may" này còn làm thịt linh dương đầu bò và một số động vật ăn cỏ cỡ lớn khác, nhưng chủ yếu để phục vụ bữa ăn.
Một số nghiên cứu trước đó cho thấy quần áo có thể xuất hiện lần đầu vào khoảng 170.000 năm trước tại châu Phi, nhưng việc phát hiện ra bằng chứng cho thấy việc sản xuất quần áo được đưa vào một "công xưởng" như thế này vẫn đủ gây sốc.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí iScience.
Bình luận (0)