Theo SciTech Daily, "quái vật" nói trên chính là Archaeolemur, một chi vượn cáo bán hóa thạch được biết đến từ kỷ Holocene ở Madagascar, còn có biệt danh "vượn cáo khỉ". Nó đã tuyệt chủng sau cuộc xâm lăng của người cổ đại 2.000 năm trước đến hòn đảo này và có kích thước lớn hơn nhiều những con vượn cáo hiện đại.
Hộp sọ của một con Archaeolemur chia sẻ các đặc điểm giải phẫu với người tiền sử - Ảnh: Ian Towle
Trong nghiên cứu mới, tiến sĩ Ian Towle từ Khoa Nha của Viện Nghiên cứu Sir John Walsh thuộc Đại học Otago (New Zealand) đã phân tích hộp sọ - cụ thể là phần răng của quái vật bí ẩn này - và khẳng định: "Những con vượn cáo đã tuyệt chủng này rất khác với những con còn sống ngày nay. Chúng cho thấy điểm tương đồng hấp dẫn với khỉ, vượn và… con người".
Bài công bố trên American Journal of Biological Anthropology cho biết tiến sĩ Towle và các cộng sự đã kiểm tra 447 chiếc răng lẻ hoặc đến từ những hộp sọ khác nhau của Archaeolemur.
Các đặc điểm đáng kinh ngạc đã được tiết lộ, với mô hình sứt mẻ răng giống y như của các loài hóa thạch thuộc tông Người, nhất là người Neanderthals - một loài cùng chi với người tinh khôn Homo sapiens chúng ta và đã để lại dòng máu trong nhiều người hiện đại thông qua hôn phối dị chủng.
"Kiểu sứt mẻ răng của Archaeolemur không giống bất kỳ loài linh trưởng nào khác còn sống" - tiến sĩ Towle khẳng định. Gây sốc hơn, kiểu sứt mẻ này có mặt ở các loài người cổ đại là do việc họ sử dụng công cụ.
Tuy nhiên nhóm nghiên cứu không cho rằng Archaeolemur đã tiến hóa tới mức sử dụng công cụ, mà có thể sự tương đồng này xuất hiện do các hành vi gần giống khi xử lý thực phẩm cứng và dai.
Nhưng dù đã xuất hiện cách nào đi nữa, hình thái hiện đại của những chiếc răng Archaeolemur cổ đại một lần nữa cho thấy cây tiến hóa có thể có rất nhiều cành, nhánh đan xen, chồng chéo mà nhân loại chưa hiểu rõ. Chúng ta là ai, là tổng thể dung hòa của những sinh vật cổ xưa nào, vẫn còn là một bí ẩn lớn chưa thể giải mã hoàn toàn.
Bình luận (0)