Đó là kết luận từ nghiên cứu vừa công bố trên Communications Earth & Environment về 20 dãy núi cổ đại trên khắp thế giới, bao gồm các dãy nổi tiếng như Rockies, Andes, Svalbard...
Theo Science Alert, các nhà khoa học từ Đại học Aberdeen ở Scotland (Vương quốc Anh) nhận thấy sự sống cổ đại, mà cụ thể là các vi sinh vật xuất hiện dày đặc ở nhiều vùng của Trái Đất, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình kiến tạo các dãy núi cổ xưa này.
Dãy Andes - Ảnh: Miguel Vieira
Các vùng núi này đều liên kết chặt chẽ với các vùng giàu sinh vật. Chính xác chết hàng laojt của sinh vật đã bổ sung một lượng carbon dồi dào để cho phép lớp vỏ Trái Đất biến dạng dễ hơn các vùng khác, tạo ra các vành đai núi, và cũng là đường biên mảng đặc trưng trong quá trình kiến tạo mảng hiện đại.
Cụ thể, lượng carbon sinh học này đã bổ sung hàm lượng graphite cực cao vào đá phiến sét đáy đại dương, khiến những khu vực đó trở nên giòn và có khả năng uốn cong, đứt gãy, tạo thành nhiều mảnh xếp chồng lên nhau dễ dàng.
Quá trình vẫn tiếp tục cho đến thời nay, lấy ví dụ ở một dãy núi "trẻ" là Himalaya. Sự thúc đẩy kiến tạo cách đây 50 triệu năm của dẫy núi này tập trung vào trầm tích Paleoproteozoic với các tầng giàu hữu cơ nhất.
"Trái Đất và sinh quyển của nó có mối liên hệ mật thiết với nhau theo những cách chưa từng được hiểu trước đây" - nhà địa chất học John Parnell từ Đại học Aberdeeen, kết luận.
Trước đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh quá trình kiến tạo mảng sôi động của Trái Đất là một trong những điều kiện cốt yếu giúp hành tinh có sự sống, vì giúp duy trì khí quyển, khí hậu và các yếu tố môi trường phù hợp, thúc đẩy các phản ứng hóa sinh tạo ra sự sống.
Kiến tạo mảng có thể hiểu nôm na là sự di chuyển không ngừng của 15 mảnh vỏ lớn nhỏ của Trái Đất, cũng chính là nguyên nhân khiến các châu lục nhiều lần tái hợp thành siêu lục địa rồi lại tan vỡ thành nhiều lục địa nhỏ như ngày nay.
Thế nhưng, đây là lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh bản thân sinh quyển của Trái Đất cũng thúc đẩy ngược lại quá trình kiến tạo mảng.
Bình luận (0)