Theo Science Alert, chính quá trình biến đổi khí hậu chịu trách nhiệm cho sự thay đổi của vỏ Trái Đất. Băng tan rất nhanh ở 2 địa cực làm áp lực lên vỏ Trái Đất ở 2 vùng bị giảm đột ngột - giống như một vật đè nén lâu ngày được nhấc khỏi. Những áp lực từ bên trong đã khiến vỏ Trái Đất bị phồng lên.
Bình minh trên Trái Đất - Ảnh: NASA
Nghiên cứu đặc biệt, dẫn đầu bởi nhà địa vật lý Sophie Coulson từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở New Mexico, dựa trên rất nhiều dữ liệu thu thập được khi nghiên cứu các tảng băng và sông băng. Họ đã sử dụng dữ liệu vệ tinh và nhiều phép đo thực địa được thực hiện trong suốt những năm 2003-2018 để tính toán độ biến dạng của vỏ Trái Đất.
Rõ ràng ở các địa điểm đặc biệt này, hành tinh của chúng ta đã thể hiện độ đàn hồi kỳ lạ. Lớp vỏ bên dưới 2 địa cực được nâng lên về độ cao, và vùng nâng lên dần lan rộng giống như một điểm phồng rộp khổng lồ. Dù sự dịch chuyển rất khó để quan sát bởi con người - bởi chỉ dưới 1 milimet mỗi năm - nhưng đối với "cuộc đời" dài như hành tinh, đó là sự thay đổi rất đáng kể.
Nghiên cứu rộng hơn, họ nhận thấy ngoài các thay đổi trên lớp vỏ do quá trình kiến tạo, sự biến đổi do thay đổi của băng đã diễn ra từ kỷ băng hà cuối cùng - 11.000 năm trước - cho đến nay.
Phát hiện này cho thấy để các nghiên cứu về khoa học hành tinh nói chung hay nghiên cứu về kiến tạo mảng chính xác hơn, các nhà khoa học sẽ cần phân biệt những biến dạng của lớp vỏ do khí hậu và những biến dạng do quá trình kiến tạo.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Geophysical Research Letters.
Bình luận (0)