Nhóm nghiên cứu từ Anh và Úc đã khám phá ra những cấu trúc gọi là "groyne", làm bằng vật liệu cứng, đặt vuông góc với bờ sông Nile mà con người ngày nay vẫn sử dụng để điều khiển dòng nước và phù sa.
Những tàn tích cổ đại của groyne thời đồ đá lộ ra bên bờ sông Nile, với một số khác vẫn còn ẩn nấp trong các khu vực đang ngập nước - Ảnh: Geoarchaeology
Trước đây, người ta tin rằng các groyne lâu đời nhất được phát minh ra ở Trung Quốc, đặt bên bờ sông Hoàng Hà, có niên đại khoảng 500 năm trước.
Nhưng kỷ lục mới đã bị phá vỡ bởi những thứ cổ xưa bên bờ sông Nile, thuộc về đế chế cổ đại Nubia cai trị khu vực phía Bắc Sudan ngày nay.
Thay vì làm bằng kim loại như các cấu trúc tương tự của người hiện đại, người Nubia 3.000 năm trước đã thể hiện công nghệ đặc biệt này bằng đá. Nhưng điều quan trọng là nó đáp ứng những công dụng tương tự và cực kỳ hiệu quả.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Geoarchaeology cho biết công dụng của các cấu trúc dạng tường đá này được hé lộ bởi việc chúng nằm ở những vùng từng ngập nước trong quá khứ, hầu hết tiếp giáp với những khu vực nước dâng mang theo phù sa.
"Công nghệ thủy lực cực kỳ lâu đời này đóng vai trò quan trọng cho phép các cộng đồng trồng trọt lương thực và phát triển trong những cảnh quan đầy thách thức của Nubia trong hơn 3.000 năm" - nhà khảo cổ học Mathew Dalton từ Đại học Tây Úc cho biết.
Các cuộc phỏng vấn nông dân Nubia ở Sudan cho thấy họ vẫn tiếp tục duy trì công nghệ này đến ngày nay và vẫn trồng trọt trên đúng những mảnh đất của 3.000 năm trước, cho dù lầm tưởng rằng các groyne cũ nhất chỉ mới được xây vào thế kỷ XIX.
Các groyne có vai trò rất lớn trong việc duy trì các cộng đồng sống ven bờ sông Nile một cách ổn định, trải qua những giai đoạn dòng chảy con sông này suy yếu.
Bình luận (0)