Tờ Acient Origins cho hay ngôi mộ trên thuộc về một vị phu nhân quý phái của thời Xuân Thu (năm 771-476 trước Công Nguyên), kết quả giám định cho thấy bà mất khoảng 2.700 năm trước.
Ngôi mộ cổ và hũ kem 2.700 tuổi (ảnh trái), cùng hình ảnh hũ kem tinh xảo sau phục chế - Ảnh: HỌC VIỆN KHOA HỌC TRUNG QUỐc
Nhóm nghiên cứu từ Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết vị phu nhân an nghỉ cùng vô số đồ tùy táng xa hoa và phong phú, trong đó có các món đồ dùng trang điểm thường ngày của phụ nữ, bao gồm hũ kem dưỡng da gây sốc nói trên. Kem được làm từ "sữa mặt trăng", tức khoáng chất monohydrocalcite đọng trên nóc các hang động đá vôi; pha trộn cùng mỡ của một động vật nhai lại, có thể là bò.
Di tích Liujawa là một thành phố cổ thuộc nước Nhuế, một nước chư hầu của triều đại Đông Chu ở miền Bắc Trung Quốc, theo New Scientist.
Đá mặt trăng - Ảnh: Doronenko
Trước đó, hũ kem dưỡng da cổ xưa nhất từng được tìm thấy tại Trung Quốc là trong mộ một người đàn ông được chôn cất khoảng năm 220-280 sau Công Nguyên. Như vậy, hũ kem vừa được tìm thấy có thể xưa hơn cả ngàn năm. Điều này cũng cho thấy giới quý tộc Trung Quốc thời xưa, cả nam và nữ, đã chú trọng chăm sóc vẻ ngoài bằng mỹ phẩm.
Quá trình phục chế cũng cho thấy chiếc hũ đựng kem dưỡng da là một món đồ đắt giá và tinh xảo, thể hiện sự giàu có của chủ nhân. Trước đó, tại địa điểm khảo cổ này, các nhà khoa học từng đào được vô số ngôi mộ cổ xa hoa khác với đồ tùy táng tinh xảo bằng vàng, bạc, đồng, ngọc quý...
Bình luận (0)