Công trình dẫn đầu bởi tiến sĩ Manasvi Lingan từ Viện Công nghệ Florida và giáo sư Avi Loeb từ Đại học Harvard (Mỹ) chỉ ra rằng những vật thể khối lượng hành tinh, trôi nổi tự do giữa các vì sao, có thể sở hữu các đại dương giàu sự sống bên dưới vỏ băng dày.
Đó là một dạng hành tinh ma quái được giới thiên văn ghi nhận những năm gần đây. Chúng rất khó quan sát bởi không có sao mẹ, đồng nghĩa với việc không được chiếu sáng.
"Hành tinh ma quái'' trôi nổi tự do có thể tiềm ẩn sự sống - Ảnh đồ họa từ Sci-News
Một số nghiên cứu cho thấy hầu hết chúng có khối lượng xấp xỉ Trái Đất của chúng ta và nhiều hành tinh dạng này ở gần hệ Mặt Trời hơn bất kỳ hành tinh thuộc hệ sao khác nào. Thậm chí, không loại trừ khả năng chúng ''đi lạc'' vào chính hệ Mặt Trời của chúng ta, lẩn khuất ở một vùng khó quan sát. Do đó, theo nhóm tác giả, việc chỉ ra khả năng sống được của chúng là cơ hội tuyệt vời để tiếp cận và nghiên cứu.
"Cái lạnh của không gian giữa các vì sao sẽ là quá nhiều để các đại dương hoàn toàn ở trạng thái lỏng" - tờ Sci-News trích dẫn nghiên cứu. Tuy nhiên, chính đại dương với bề mặt đóng băng dày lại giúp bảo tồn được nhiệt lượng tỏa ra từ bên trong hành tinh. Vậy là giữa vỏ băng và lõi hành tinh nóng bỏng là một đại dương ấm áp và hỗ trợ sự sống, khá giống điều mà các nhà khoa học vẫn kỳ vọng ở một số mặt trăng của Sao Mộc hay Sao Thổ.
Dạng sống trên ''hành tinh ma quái'' kiểu này được cho là các vi sinh vật không cần đến ánh sáng mà các nhà sinh vật học từng tìm thấy ở khắp nơi nơi ngay trên Trái Đất, một số thậm chí có thể chịu được điều kiện khắc nghiệt như nhiệt độ nóng bỏng bên trong các miệng núi lửa, dưới lòng băng địa cực hay những hang động dưới lòng đất hoàn toàn thiếu chất dinh dưỡng.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí International Journal of Astrobiology.
Bình luận (0)