3 quả cầu bằng da kỳ lạ đã được nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Patrick Wertmann từ Viện Nghiên cứu Châu Á và phương Đông, Đại học Zurich (Thụy Sĩ) khai quật trong khu mộ cổ Yanghai thời tiền sử, gần thành phố Thổ Lỗ Phồn ở Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc.
Cận cảnh các quả cầu bằng da, bên trong độn tóc người - Ảnh: P. WERTMANN
Nếu mới nhìn qua, vật thể khá rùng rợn do được nhồi bằng… tóc người và một số mảnh da vụn. 2 trong số chúng được đánh dấu thập đỏ bên ngoài. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu cho thấy đó chỉ là những quả bóng được dùng cho một trò chơi nào đó. Rất tiếc các chi tiết trong mộ cổ không hé lộ những người thời đó đã chơi chúng như thế nào. Da dùng để bọc bóng là da động vật.
Kết quả định tuổi bằng đồng vị carbon phóng xạ cho thấy các quả cầu đã được làm ra trong khoảng thời gian từ năm 1189 đến năm 911 trước Công Nguyên, tức khoảng 2.900-3.200 năm về trước! Như vậy, nó cổ hơn ít nhất nửa thiên niên kỷ so với các quả bóng cổ xưa nhất từng được khai quật ở lục địa Á-Âu.
Trò chơi cổ đại của Trung Quốc được mô tả trong một ngôi mộ cổ khai quật trước đó ở Thiểm Tây - Ảnh: P. WERTMANN
Theo tiến sĩ Werrtmann, có thể nó nằm trong phiên bản sơ khai nhất của trò chơi cưỡi ngựa và dùng gậy đánh bóng, loại trò chơi giới quý tộc cổ đại ở Trung Quốc từng rất ưu chuộng và được tái hiện trong nhiều ngôi mộ cổ khác. Một số thứ giống gậy đánh bóng cũng được tìm thấy tại khu mộ cổ Yanghai, nhưng nhóm nghiên cứu không xác định được mối liên hệ với số bóng này.
Nghiên cứu vừa công bố trên Journal of Archaeological Science: Reports.
Bình luận (0)