Chớp sóng vô tuyến (FRB) là một trong những loại tín hiệu vũ trụ gây tò mò nhất. Từ nhiều năm qua, trên khắp hành tinh, các đài quan sát liên tiếp bắt được nhiều tín hiệu vô tuyến dạng này, với tính chất đa dạng: Có cái chỉ lóe lên một lần, có cái lặp đi lặp lại theo chu kỳ, có cái lặp lại bất quy tắc...
Nhiều giả thuyết được đặt ra về thứ phát ra chớp sóng vô tuyến: va chạm lỗ đen, va chạm sao neutron (xác chết của các ngôi sao khổng lồ), do người ngoài hành tinh phát đi...
Một sao neutron cực mạnh, loại được gọi là "sao từ" - Ảnh đồ họa từ NASA
Trong một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, TS Qin Wu và các cộng sự từ Trường Thiên văn và khoa học vũ trụ thuộc Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) đã lần theo một tín hiệu như vậy từ thiên hà SGR J1935+2154.
Các manh mối đưa ra một kịch bản chưa ai nghĩ đến trước đây: Một sao neutron bị tấn công.
Dạng sao "thây ma" này tuy kích thước chỉ từ một quả bưởi đến một thành phố, nhưng sở hữu năng lượng cực mạnh, có thể tới 1 triệu lần từ trường Trái Đất.
Nghiên cứu mới chỉ ra khi một tiểu hành tinh bất ngờ đâm vào sao neutron, nó có thể giải phóng chớp sóng vô tuyến. Tín hiệu cực nhanh, mạnh này chính là do ngôi sao "quái vật" nhanh chóng xé nát kẻ tấn công.
Điều này góp phần lý giải việc vụ bùng nổ sóng vô tuyến dạng này tuy là một trong những sự kiện mạnh nhất vũ trụ nhưng chỉ kéo dài vài phần ngàn giây.
Vào năm 2020, một nguồn gốc khá chắc chắn của một chớp sóng vô tuyến phát ra ngay từ bên trong thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà) cho thấy đó có thể là một sao từ.
Sao từ là dạng "cao cấp" của sao neutron, siêu dày đặc và mạnh hơn các sao neutron thông thường, với từ trường có thể mạnh gấp 4 triệu lần từ trường Trái Đất. Ngôi sao từ này đột nhiên bị trục trặc và thay đổi tốc độ quay. Chỉ một cú rùng mình của nó cũng đã đủ giải phóng năng lượng khủng khiếp, thành một chớp sóng vô tuyến "dội" tới tận Trái Đất.
Bình luận (0)