Các nhà khoa học từ Trung tâm Ai Cập tại Đại học Swansea (Anh) đã bị sốc khi kết quả chụp CT hé lộ cách mà những xác ướp đại diện cho những động vật linh thiêng trong văn hóa Ai Cập được tạo thành.
Xác ướp đầu tiên là một con mèo, biểu tượng của nữ thần hoàng hôn Bastet, một trong những vị thần bảo hộ được người Ai Cập tôn sùng và thờ cúng rộng rãi nhất. Nhưng quá trình tạo ra một xác ướp mang hình dáng vị thần mình người, đầu mèo hết sức đáng sợ. Nạn nhân là một con mèo con chưa đầy 5 tháng tuổi, đã được chọn từ thuở sơ sinh, nuôi và thuần hóa chỉ để bị ướp xác. Cổ của nó bị bẻ gãy để có thể được tư thế thẳng đứng, thanh tú của con người, sau đó được mang một chiếc mặt nạ tử thần được tạo tác công phu.
Xác ướp mang hình dáng nữ thần Bastet thanh tú thực ra là một con mèo đã trải qua cái chết vô cùng tàn khốc - ảnh: NATURE
Xác ướp thứ 2 là một con rắn hổ mang bị gãy xương sống nặng nề, chết trong một nghi lễ "quất roi": bị giữ đuôi rồi đập mạnh xuống đất nhiều lần. Nó cũng được khử độc ở nanh, với niềm tin là để xác ướp con người chôn cùng không bị giết bởi nọc độc. Rắn hổ mang cũng là vật thiêng trong văn hóa Ai Cập. Biểu tượng Uraenus - "rắn hổ mang ngẩng đầu"- là biểu tượng vương quyền tối thượng. Nữ thần Meretseger mình người, đầu rắn hổ mang là người bảo vệ các lăng mộ hoàng gia, được thờ cúng trang trọng khắp Thung lũng các vị vua.
Từ trên xuống: xác ướp chim cắt lưng hung, mèo và rắn hổ mang - ảnh: NATURE
Xác ướp thứ 3 là một con chim cắt lưng hung, được ướp xác và chôn theo người chết như một thứ vàng mã, một đồ tùy táng. Con chim cắt này được bắt trong tự nhiên. Khi ướp, người ta dường như đã bẻ gãy mỏ và o ép nhiều phần cơ thể để tạo hình.
Xác ướp chim cắt lưng hung được "mổ xẻ" bằng micro-CT scan.
Theo nhà Ai Cập học Carolyn Graves-Brown, thành viên nhóm nghiên cứu, có thể có hàng chục triệu xác ướp động vật trong các mộ cổ Ai Cập. Rõ ràng, dù được "hưởng" nghi lễ ướp xác chỉ dành cho vua chúa trong thế giới con người, nhưng những động vật này đã bị đối xử tệ bạc và trải qua cái chết khủng khiếp trước khi biến thành vật thiêng trong mộ cổ.
Bình luận (0)