Công trình xây dựng cống thoát nước ở thành phố Tama (Ai Cập) đã vô tình khiến giới khoa học phải bận rộn. Trong quá trình đào cống, các công nhân đã khám phá ra một cái gì kỳ lạ, cổ xưa.
Bộ Cổ vật Ai Cập đã xác định được đó chính là cả một ngôi đền được chạm khắc công phu, lộng lẫy có tuổi đời 2.200 năm. Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã tiếp quản và khai quận được một bức tường nằm theo hướng Đông – Tây, một bức tường hướng Bắc –Nam và góc Tây Nam của ngôi đền, được chạm khắc các hình ảnh mô tả thầy Hapi, là vị thần tượng trưng cho sinh sản và nước lũ, người bảo trợ cho nền nông nghiệp Ai Cập cổ đại.
Các nhà khoa học đang làm việc tại khu vực khai quật - ảnh: Bộ Cổ vật Ai Cập
Các bức phù điêu mô tả thần Hapi mang theo đồ tế lễ, được vây quanh bởi các loài chim và động vật khác. Hiện quá trình khai quật vẫn đang tiếp tục. Việc xây dựng hệ thống cống thoát nước phải tạm dừng vô thời hạn.
Quá trình nghiên cứu cho thấy di tích bí ẩn này đã 2.200 năm tuổi, tức đã tồn tại dưới triều đại pharaon Ptolemy IV của Ai Cập. Các đoạn văn bản trong đền cũng đề cập đến pharaon Ptolemy IV.
Cận cảnh một bức phù điêu của ngôi đền - ảnh: Bộ Cổ vật Ai Cập
Ptolemy IV là vị pharaon thứ thư của triều đại Ptolemaic của Ai Cập. Triều đại này bị coi là không thành công, bởi pharaon là người thích đi ngao du, sống như một nghệ sĩ hơn một nhà vua và mọi quyền bính đều giao cho một chức sắc tôn giáo đầy tham vọng tên Sosibius. Cuối triều đại, người Ai Cập nổi dậy chống lại vị pharaon này. Ptolemy IV cai trị từ năm 221-204 trước Công Nguyên.
Thành phố Tama – nơi tìm thấy ngôi đền - là một thành phố hiện đại nằm phía bắc Sohag (Ai Cập), bờ phía Tây sống Nile. Một khu vực của thành phố tên Kom Shaqao tọa lạc trên chính mảnh đất từng là thủ đô quận 10 của Thượng Ai Cập, một khu định cư trù phú hàng ngàn năm về trước.
Bình luận (0)