Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the Royal Society A cho thấy Trái Đất từng chịu tác động thủy triều mạnh mẽ giai đoạn cuối kỷ Silur cho đến gần cuối kỷ Devon (420 đến 380 triệu năm trước), khiến các sinh vật biển cổ đại bắt đầu phát triển xương sống và mọc chân.
Vùng biển đầy "thủy quái" kỷ Devon - Ảnh đồ họa từ nhóm nghiên cứu
Điều này trùng khớp với nhiều bằng chứng cho thấy kỷ Devon là giai đoạn đánh dấu sự di cư của một số động vật từ đại dương lên cạn, trong đó có nhóm cá vây thùy cổ đại được cho là thủy tổ của hầu hết sinh vật 4 chân sau này, và có thể là cả chúng ta.
Theo các tác giả đến từ Đại học Bangor, Đại học Oxford (Anh) và Đại học Uppsala (Thụy Điển), thủy triều lớn cổ đại xảy ra ở một số khu vực trên Trái Đất khi vị trí quỹ đạo của mặt trăng được tối ưu hóa.
Các dữ liệu về giai đoạn cổ xưa đó đã được mô phỏng bằng mô hình máy tính, cho thấy thủy triều vượt quá 4 mét đã xuất hiện quanh khu vực được gọi là "khối Nam Trung Hoa", một "thánh địa" cổ sinh vật học nơi khai quật được hóa thạch những con cá có xương sống cổ xưa nhất.
Bằng chứng địa chất đã một lần nữa xác định sự trỗi dậy của thủy triều ở đây, tương quan với niên đại hóa thạch của những con cá bị biến đổi. Có thể thủy triều lớn cũng dẫn đến một thời kỳ tuyệt chủng biển khốc liệt. Nhưng đối với quá trình tiến hóa, sự khắc nghiệt đôi khi là điều kiện cho một số loài biến đổi ngoạn mục để sinh tồn, ở đây là phát triển xương sống để trở nên mạnh mẽ hơn, hoặc mọc thêm chân để tìm kiếm "miền đất hứa" mới trên các lục địa.
Bình luận (0)