"Sợ hãi" thường được biết đến như một cảm xúc tiêu cực nhưng không ít người lại thích trải nghiệm. Đơn cử như trong mùa Halloween này, người ta tạo ra ma quỷ khắp nơi để được sợ và để được vui.
Trong một bài viết vừa đăng tải trên The Conversation, hai giáo sư tâm thần học Arash Javanbakht và Linda Saab, đến từ Đại học Watyne State (Michigan - Mỹ), đã phân tích nỗi sợ hãi có nhiều dạng khác nhau. Điều đó quyết định cảm xúc bạn nhận được sau trải nghiệm là muốn né tránh hoặc muốn thử lại lần nữa.
Sự mất cân bằng giữa bản năng và lý trí cho bạn một ngày Halloween vui vẻ - ảnh: THE CONVERSATION
Bạn hãy thử tưởng tượng hai hoàn cảnh khác nhau gây ra nỗi sợ. Một là khi bạn bước vào một ngôi nhà ma Halloween, biết chắc rằng sẽ có đủ loại ma khác nhau nhảy ra hù dọa bạn. Bạn sợ, bạn la hét? Chắc chắn, nhưng sau đó bạn sẽ bước ra với nụ cười, hào hứng kể lại trải nghiệm và thường là mong được thử lần nữa.
Hoàn cảnh thứ hai, bạn đang đi một mình trong ngõ tối và cảm thấy có kẻ xấu đang theo dõi. Bạn cũng sợ hãi nhưng nỗi sợ này đi kèm với cảm giác bất an, lo âu và chắc chắn bạn không bao giờ muốn mình rơi vào hoàn cảnh đó.
Lời lý giải được hai nhà khoa học đưa ra chính là sự đấu tranh giữa phần nhận thức bản năng của động vật trong não bộ và khả năng kiểm soát chỉ có ở bộ não con người. Trong khi nhận thức bản năng giúp bạn cảm nhận được sự sợ hãi thì phần nhận thức "con người" giúp bạn phân tích, đánh giá hoàn cảnh thực tại, từ đó kiểm soát lại bản thân.
Con người đôi khi lại rất thích cảm giác bị nhát ma
Bạn giật mình nhưng bạn tin rằng những con ma Halloween không thể làm gì bạn nên sự sợ hãi được chuyển thành cảm giác thích thú. Có thể nói rằng cảm giác "được" sợ hãi mà mọi người tìm kiếm qua ngày Halloween hay phim kinh dị chính là do sự mất cân bằng giữa sự phấn khích gây ra trong phần não bộ "động vật" với cảm giác kiểm soát trong phần não bộ "con người".
Tuy nhiên, có một số người không hề thích cảm giác bị dọa ma đó.
Trường hợp thứ nhất, sự sợ hãi không gây thích thú nếu đó gắn liền với một trải nghiệm nguy hiểm thực sự. Ví dụ, bạn từng bị chó cắn, bạn sẽ không thích chơi với những chú chó và những chú chó cưng được hóa trang độc đáo để dọa cho vui trong ngày Halloween cũng khiến bạn khó chịu nốt, dù chúng không có ý định tấn công bạn. Sự sợ hãi gắn liền với trải nghiệm nguy hiểm có thể khiến bạn trải qua chứng rối loạn ám ảnh, rối loạn lo âu và nhiều bất ổn tâm lý.
Thứ hai, đó là khi bộ não nhận thức của bạn quá mạnh mẽ. Hãy tưởng tượng một nhà sinh vật học không thể tách rời kiến thức chuyên ngành của mình ra khỏi không gian giải trí. Cô ấy xem phim zombie và ở bất kỳ cảnh nào, bộ não cũng phân tích những điều bất hợp lý về mặt sinh học. Cô ấy sẽ cảm thấy chán.
Vì vậy, đừng băn khoăn khi bạn thuộc tuýp người dễ hét lên thất thanh khi một chú ma nhảy ra từ góc tường ngày Halloween. Chính cảm giác sợ hãi ấy đã giúp bạn có được trải nghiệm vui vẻ.
Bình luận (0)