Trong cuộc chiến nhằm ngăn chặn rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, giới chức Nhật đã triển khai nhiều trực thăng, vòi rồng phun nước cũng như máy phun bê tông cao tới 58m. Tuy nhiên, một thiết bị hoàn toàn vắng bóng trong cuộc chiến này là các robot.
Giải pháp sử dụng robot thay thế con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi các công nhân của nhà máy Fukushima sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu Nhật thoát khỏi một thảm họa hạt nhân.
Robot Nhật phục vụ búp bê mô phỏng con người. Ảnh: businesspundit
Tuy nhiên, thực tế, kỹ thuật chế tạo robot của Nhật còn hạn chế, trong khi giới chức điều hành các nhà máy hạt nhân lại không sẵn sàng đầu tư cải tiến công nghệ. Các nhà nghiên cứu Nhật cho biết những nỗ lực phát triển robot chuyên dụng cho ngành công nghiệp hạt nhân đã bị tiêu tan do các nhà đầu tỏ ra không mặn mà, Công ty điện lực Tokyo – công ty điều hành nhà máy Fukushima Daiichi là một ví dụ.
Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích phát triển loại robot ứng phó với hạt nhân khoảng 7 năm nay sau sự cố tại một nhà máy tái chế năng lượng nguyên tử năm 1999 khiến 2 công nhân thiệt mạng. Tuy nhiên, thị trường này không thu hút đầu tư tư nhân, các mẫu thử nghiệm, chương trình nghiên cứu bỗng chốc bị lãng quên.
Một chuyên gia nghiên cứu của Nhật cho biết, trước khi xảy ra khủng hoảng Fukushima, các chủ nhà máy đều lo ngại, nếu sử dụng robot trong nhà máy của họ vô hình chung sẽ truyền đi “thông điệp không tốt” về mức độ an toàn hạt nhân. Trong khi đó, TEPCO khẳng định, các nhà máy của họ an toàn tuyệt đối, và không thể xảy ra sự cố, nên không cần sử dụng robot.
Mặt khác, Lem Fugitt, chủ biên blog Robots Dreams tại Nhật nhận định, trình độ công nghệ robot hiện nay vẫn chưa đủ để xử lý khủng hoảng nghiêm trọng như ở nhà máy Fukushima.
Satoshi Tadokoro, một chuyên gia thuộc Đại học Tohoku – người khuyến khích sử dụng robot trong các vùng thảm họa – cho rằng: “Robot không thể làm tất cả mọi thứ, nhưng có thể làm được rất nhiều. Con người chỉ cần tập trung xử lý phần còn lại”.
Theo một nguồn tin thân cận với lực lượng cứu trợ khẩn cấp, một số robot xử lý hạt nhân có thể quay video và đo nồng độ phóng xạ đã được gửi đến khu vực nhà máy Fukushima nhưng lại không được sử dụng.
Nhân viên kỹ thuật ban đầu đã sử dụng loại robot siêu nhỏ, cao 1,5m nhưng sau họ nhận thấy việc triển khai chúng là không thể do bị cản trở bởi núi rác ở khu vực nhà máy sau thảm họa động đất, sóng thần.
Đến nay, loại “robot” duy nhất được sử dụng là các máy bay không người lái của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ gửi các robot có khả năng hoạt động ở khu vực có nồng độ phóng xạ cao, mặc dù hiện chưa rõ các công nhân của Fukushima sẽ vận hành chúng ra sao.
Bình luận (0)