Đây là sứ mệnh không gian đầu tiên kiểu này của châu Âu, nhằm tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc các hành tinh của hệ mặt trời và giúp giảm thiểu nguy cơ các tiểu hành tinh đâm vào trái đất.
Tiểu hành tinh Steins nằm ở vành đai thiên thạch giữa sao Hỏa và sao Mộc. Đây là tiểu hành tinh thuộc loại nhỏ, có hình dáng lạ, sáng bất thường, thành phần cấu tạo chủ yếu là khoáng silicate và bazan nhưng còn chưa được biết rõ.
Steins có thể được tạo ra từ một tiểu hành tinh lớn hơn bị hủy diệt trong thời kỳ đầu hình thành hệ mặt trời. Các kính viễn vọng trên trái đất từng đo đường kính Steins là 10km, sau đó Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) xác định đường kính này chỉ 4,6km và nay dữ liệu từ tàu Rosetta cho thấy đường kính Steins khoảng 5km.
Những hình ảnh đầu tiên của Steins đã được tàu Rosetta truyền về trung tâm kiểm soát ở Darmstadt (Đức) sau khi tàu đến nơi vào cuối ngày 5-9. Uwe Keller, nhà nghiên cứu của Viện Max Planck ở Lindau (Đức), cho biết: “Steins trông giống một viên kim cương giữa bầu trời”. Tàu Rosetta đã xoay 180 độ để chụp ảnh khi Steins lao tới với tốc độ 30.720km/g.
Theo ESA, các hình ảnh cho thấy trên bề mặt Steins có nhiều hố, trong đó có 2 hố lớn, gồm 1 hố đường kính đến 2km. Ngoài ra, còn 7 hố nhỏ xếp từ trên xuống dưới, hình thành khi bị một vật thể va vào bề mặt, kiểu xếp này chỉ thấy trên mặt trăng hoặc một số vệ tinh.
Các hố này cho thấy tiểu hành tinh Steins thuộc loại siêu già. Nhóm điều khiển tàu Rosetta cho biết sẽ mất vài tuần để phân tích đầy đủ các hình ảnh của Steins.
Dự án Rosetta này tốn 1 tỷ euro (1,45 tỷ USD). Tàu Rosetta được phóng lên từ tháng 3-2004. Đây là lần đầu tiên một tàu thăm dò không người lái của châu Âu bay đến một tiểu hành tinh.
Trước đó, Mỹ có 6 chuyến thám hiểm các tiểu hành tinh, với chuyến đầu tiên năm 1991. Nhật Bản cũng từng phóng tàu Hayabusa thám hiểm tiểu hành tinh năm 2005.
Steins là mục tiêu đầu tiên của tàu Rosetta trong sứ mệnh dài hơn 11 năm thám hiểm sao chổi. Vào tháng 7-2010, tàu Rosetta sẽ đến một tiểu hành tinh khác có tên 21 Luteria, đường kính 100km. Mục tiêu chính của chuyến thám hiểm là cuối năm 2014, khi tàu Rosetta thả một tàu đổ bộ xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko để tiến hành các thí nghiệm.
Theo David Southwood, Giám đốc khoa học và thám hiểm robot của ESA, Steins tuy nhỏ nhưng kết cấu vật lý của nó và tác động của môi trường không gian khắc nghiệt đem lại rất nhiều thông tin cho các nhà khoa học.
Càng hiểu biết nhiều về các loại tiểu hành tinh, chúng ta càng hiểu rõ cách hệ mặt trời hình thành và tiến hóa. Ngoài ra, tìm hiểu các tiểu hành tinh còn giúp các nhà khoa học tìm cách giảm thiểu nguy cơ chúng đe dọa trái đất.
Bình luận (0)