Tàu thăm dò của châu Âu lần đầu tiên hạ cánh xuống sao chổi
Robot Philae nặng 100 kg – hầu như không trọng lượng trên bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko – đã hạ cánh đúng lịch trình vào khoảng 16 giờ 5 (GMT), cách trái đất khoảng 500 triệu km sau khi tách khỏi tàu mẹ Rosetta 7 giờ.
“Thật quá táo bạo, quá thú vị và không thể tin được khi robot của chúng ta có thể hạ cánh trên sao chổi”, Jim Green, Giám đốc NASA về Khoa học Hành tinh, thốt lên.
“Đây là bước đi lớn cho văn minh nhân loại”, ông Jean-Jacques Dordainm - Tổng Giám đốc Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) - nhận xét.
Tuy nhiên, trong thời gian rơi tự do trên bề mặt sao chổi, bộ phận neo móc của robot Philae đã không hoạt động. Người điều hành chuyến tàu này đang xem xét lựa chọn nhằm đảm bảo tàu đổ bộ không trôi dạt trở lại không gian.
“Tàu đổ bộ có thể cất cánh lần nữa. Có thể hôm nay chúng tôi không chỉ cho tàu hạ cánh một lần mà tới hai lần. Hy vọng tàu đổ bộ vẫn đang ở đâu đó trên bề mặt sao chổi và có thể tiếp tục hành trình khoa học của chúng ta”, ông Stefan Ulamec – người quản lý tàu đổ bộ Philae tại Trung tâm Hàng không Vũ trụ DLR của Đức - nói với báo chí.
Các nhà khoa học hy vọng những mẫu khoan được lấy từ sao chổi sẽ tiết lộ nhiều thông tin về sự hình thành, phát triển của các hành tinh, thậm chí cả sự hình thành sự sống. Đồng thời, những mẫu đá, băng này cũng sẽ hé mở nhiều cơ hội nghiên cứu và tìm hiểu về các vật liệu, bao gồm hợp chất của carbon và nước đã tồn tại trong quá trình hình thành hệ Mặt Trời 4,6 tỉ năm trước. Các nhà khoa học đã nghi ngờ sao chổi đã tác động đến việc xuất hiện nước trên trái đất.
Cho đến nay, tàu vũ trụ của con người đã tiếp cận được các hành tinh: Mặt trăng, sao hỏa, sao thổ, hai tiểu hành tinh và sao chổi Tempel-1 (do NASA thực hiện). Trong đó, Rosetta trở thành phi thuyền đầu tiên quay quanh sao chổi thay vì chỉ bay ngang qua để chụp ảnh.
Bình luận (0)