Theo Science Alert, cả 2 tàu thăm dò Voyager của NASA, hiện đã bay ra khỏi tầm vùng Mặt Trời kiểm soát, vừa cung cấp những dữ liệu kỳ lạ về nơi tiếp giáp giữa thế giới dung dưỡng Trái Đất và cái gọi là "không gian giữa các vì sao".
Chúng đã hé lộ cho người Trái Đất thấy rằng vây bọc lấy chúng ta là một cấu trúc dạng bong bóng vô hình, khổng lồ, khó lý giải, mà cái gọi là "nhật quyển" được gói gọn bên trong.
Vùng hỗn loạn với sự đối đầu liên tục giữa gió Mặt Trời và gió giữa các vì sao mang năng lượng cao - Ảnh đồ họa từ NASA
Thế nhưng, một tàu vũ trụ khác gọi là IBEX của NASA, chỉ quay quanh Trái Đất nhưng sở hữu khả năng đo đạc xuyên không gian, vừa cho chúng ta thấy cái nhìn đầu tiên về bề mặt chiếc bong bóng bí ẩn.
IBEX đo các nguyên tử trung hòa được cung cấp năng lượng khi gió Mặt Trời va chạm giữa gió giữa các vì sao ở vùng ranh giới hệ Mặt Trời. Một số nguyên tử bị phóng xa hơn vào không gian trong khi một số khác bị ném ngược trở lại Trái Đất.
Số nguyên tử bị ném ngược đó đã cho thấy cái nhìn về chiếc bong bóng kỳ lạ - vốn là lằn ranh vĩnh cửu nơi các cơn gió Mặt Trời và gió giữa các vì sao đối đầu: Bề mặt chiếc bong bóng khổng lồ gợn sóng phức tạp, nhăn nheo lạ thường, được thể hiện trong một mô hình 3D tạo nên bởi nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Eric Zinstein từ Đại học Princeton - Mỹ.
Những mảnh bề mặt lồi lõm, nhăn nheo, gợn sóng kỳ lạ của chiếc bong bóng bao vây nhật quyển - Ảnh: NASA
Những "nếp nhăn" đó thực ra mang quy mô hàng chục đơn vị thiên văn. Một đơn vị thiên văn (AU) chính là khoảng cách từ Mặt Trời đến Trái Đất.
Nhóm nghiên cứu cũng mô hình hóa các dữ liệu để mô phỏng cách gió áp suất cao từ không gian giữa các vì sao tác động lên nhật quyển. Đó đều là những tác động dữ dội, nhưng rất may, vì quá xa vời nên hầu như không ảnh hưởng chút gì đến chúng ta.
Bình luận (0)