Theo bài công bố mới của nhóm khoa học gia Trung Quốc - Mỹ trên tạp chí khoa học Journal of Geophysical Research: Planets, các nhà khoa học đã dùng kỹ thuật đặc biệt gọi là "radar xuyên trăng" (LPR) để tìm hiểu cấu trúc gồm nhiều lớp như chiếc bánh sâu 300 m bên dưới bề mặt vệ tinh này.
Nhà nghiên cứu chính Jiangqing Feng từ Viện Khoa học hành tinh (Mỹ) cho biết LPR đã cho phép Yutu-2 gửi tín hiệu vô tuyến vào sâu bên dưới Mặt Trăng và lập bản đồ các cấu trúc ẩn, thứ đồng thời giúp các nhà khoa học ngược dòng thời gian, hiểu về quá khứ thiên thể.
Bề mặt đầy hố va chạm của Mặt Trăng - Ảnh: NASA
Các dữ liệu mới cho thấy khoảng 40 m trên cùng bên dưới bề mặt Mặt Trăng là nhiều lớp bụi, đất và đá vỡ.
Ẩn trong mớ hỗn độn đó còn có một miệng hố va chạm được hình thành bởi một vật thể rất lớn từng đâm sầm vào. Có thể chính tác động đã tạo nên đất và đá vỡ xung quanh.
Sâu hơn, họ phát hiện ra tới 5 lớp dung nham riêng biệt đã thấm qua cảnh quan của thiên thể từ hàng tỉ năm trước.
Theo tờ Space, các nhà khoa học vẫn cho rằng Mặt Trăng hình thành khoảng 4,51 tỉ năm, không lâu sau sự ra đời của chính Mặt Trời, là phần tách ra từ khối hỗn hợp gồm Trái Đất sơ khai và hành tinh Theia to bằng Sao Hỏa, sau khi hai hành tinh va chạm.
Bản thân Trái Đất ngày nay cũng là cơ thể của Trái Đất sơ khai và Theia hợp thành.
Giống như địa cầu, Mặt Trăng tiếp tục bị bắn phá khốc liệt sau khoảng 200 triệu năm sau cú ra đời nảy lửa, khiến magma trong lớp phủ thấm qua các vết nứt mới hình thành do một loạt các vụ phun trèo núi lửa.
Cũng theo TS Feng và cộng sự, hoạt động núi lửa trên vệ tinh duy nhất của Trái Đất đã kết thúc khoảng 1 tỉ năm trước, nên nó được coi là đã "chết về mặt địa chất". Tuy nhiên có thể vẫn còn magma sâu bên dưới bề mặt Mặt Trăng.
Bình luận (0)