Mars Express - một chiến binh khảo sát Sao Hỏa của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) - đã gửi về Trái đất nhưng hình ảnh độ phân giải cao của Lưu vực Holden, nơi mà hàng tỉ năm trước có thể đã có hàng đàn sinh vật ngoài hành tinh trú ngụ bên bờ hoặc dưới những dòng sông uốn khúc.
Cận cảnh dòng sông cổ đại trên Sao Hỏa với Lưu vực Holden nằm ở quãng giữa. Nay nó đã khô cạn nhưng có thể vẫn giấu "báu vật" trong trầm tích - Ảnh: ESA
Theo Sci-News, Lưu vực Holden là một phần của một hệ thống sông dài 8.000 km với nhiều thung lũng và chỗ trũng, từng giúp nước vận chuyển từ vùng Argyre Planitia phía Nam Sao Hỏa đến vùng Chryse Planitia ở vùng đất thấp hơn phía Bắc.
Lịch sử phức tạp của hệ thống chằng chịt những dòng sông này khiến nó trở thành một mục tiêu thú vị để truy tìm dấu vết của sinh vật ngoài hành tinh cổ đại, theo khẳng định từ nhóm điều hành Mars Express.
Vài tỉ năm trước, tác động gây ra miệng hố va chạm Holden khổng lồ đồng thời tạo ra hệ thống dòng chảy này, gọi là Uzboi-Ladon-Morava, di chuyển chằng chịt trên một phần bề mặt Sao Hỏa, dần hình thành một mảng địa hình phức tạp gồm Thung lũng Uzboi và Lưu vực Holden.
Nước từ hệ thống này cuối cùng thoát nước về phía Bắc qua vùng Morava Valles. Con sông Sao Hỏa nổi tiếng Ares Vallis mà 25 năm trước robot di động đầu tiên Sojorner hạ cánh xuống cửa sông, cũng có thể là một phần của hệ thống dòng chảy này.
Một phần địa hình lưu vực Holden - ảnh: ESA
Bây giờ, dựa trên những hình ảnh chi tiết, thể hiện rõ địa hình và một số dữ liệu địa chất khác đã khiến các nhà khoa học xác định phía Lưu vực Holden, nơi phủ đầy trầm tích chứa phyllosilicat, là một trong những vùng đáng để nghiên cứu nhất trên toàn bộ hệ thống sông.
Phyllosilicat là một loại khoáng chất phổ biến trên Trái Đất, thường có trong đất sét. Nó đóng vai trò như một trung tâm phản ứng cho các phân tử hữu cơ, là nhà máy tạo nên sinh vật sống trên Trái Đất.
Các nhà khoa học ESA sẽ cho nhiều thiết bị hơn nhắm vào khu vực này trong tương lai, với hy vọng tìm ra bằng chứng hữu hình về sinh vật từng tồn tại trên Sao Hỏa vài tỉ năm trước.
Bình luận (0)