Theo Sci-News, đó là một loài hoàn toàn mới và vừa được đặt tên là Minimocursor phunoiensis. Chúng thuộc một nhóm khủng long lớn mang tên Neornithischia (khủng long hông chim mới), sống vào cuối kỷ Jura.
Theo nhà nghiên cứu Sita Manitkoon từ Đại học Mahasarakham (Thái Lan), tác giả chính của nghiên cứu, đây là một trong những mẫu vật khủng long hoàn hảo nhất Đông Nam Á, với những phần quan trọng như đốt sống, xương chi... gần như nguyên vẹn.
Minimocursor phunoiensis giữa rừng rậm Thái Lan 145 triệu năm trước - Ảnh đồ họa từ SCI-NEWS
Hóa thạch gần như còn nguyên cả những khớp nối xương, một yếu tố quan trọng giúp các nhà cổ sinh vật học phục dựng sinh vật và cả mô tả cách mà nó đã vận động trong quá khứ.
Khu vực Phu Noi ở Kalasin - Thái Lan cũng là một trong những "mỏ hóa thạch" lớn, nơi các nhà khoa học kỳ vọng tìm thêm những mẫu vật khác.
"Việc phát hiện loài khủng long này cung cấp dữ liệu mới về đa dạng sinh học, địa sinh học và lịch sử tiến hóa ban đầu của Neornithischia trong thời gian từ cuối kỷ Jura đến đầu kỷ Phấn Trắng".
Phát hiện của Thái Lan đã giúp hoàn thiện mảnh ghép về loài khủng long này. Tuy hình thù của nó rất cổ quái và được các nhà khoa học tái hiện bằng màu xanh - tím đáng sợ, nhưng đó là một sinh vật ăn cỏ khá hiền lành, kích thước nhỏ hơn đa số khủng long khác.
Một số loài anh em của nó cũng đã được tìm thấy ở những nơi khác của châu Á, trong đó phong phú nhất là ở tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc.
Nghiên cứu ban đầu vừa được các nhà khoa học Thái Lan công bố trên tạp chí khoa học Diversity. Họ cũng hứa hẹn những công bố thú vị hơn vì một số xương cùng loài vẫn đang được xử lý, bao gồm hộp sọ của một con khác.
Bình luận (0)