Các bằng chứng khảo cổ mới từ Belize, một quốc gia nhỏ khu vực Trung Mỹ, đã hé lộ manh mối khó tin về thảm họa "trên trời rơi xuống" khiến đế chế Maya hùng mạnh bất ngờ suy vong, để lại những thành phố ma vĩ đại và trống rỗng. Thảm họa đó mang một cái tên rất quen thuộc: "biến đổi khí hậu", do hiệu ứng nhà kính.
Một di tích của đế chế Maya huyền thoại - ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Đế chế Maya được cho là tồn tại trong giai đoạn 1.800 đến 1.000 năm về trước, lãnh thổ trải rộng trên địa phận một số quốc gia ngày nay. Tại Belize, nhóm nghiên cứu từ Đại học Texas (Mỹ) đã tìm ra một phần lịch sử huy hoàng: người Maya đã khai phá một vùng ngập nước tự nhiên rộng lớn ở Belize, lớn gấp 5 lần so với hiểu biết trước đây. Khoa học kỹ thuật của người Maya phát triển vượt bậc, các cánh rừng nhiệt đới rậm rạp bị đốt bỏ, đầm lầy nhanh chóng mọc lên các công trình phục vụ nông nghiệp và giao thông đường thủy…
Nhiều mương thủy lợi, kênh đào và dấu tích những cánh rừng bị đốt bỏ đã được phát hiện qua hình ảnh vệ tinh và các bằng chứng còn để lại dưới lòng đất. Vùng đất ấy mang một cái tên kiêu hãnh: Birds of Paradise – Đàn Chim Thiên Đường.
Hình ảnh vệ tinh chụp một khu vực thuộc Belize, hé lộ các công trình đáng kinh ngạc của đế chế Maya - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Thế nhưng việc đào bới vùng đất đầm lầy này đã giải phóng vô số khí mê-tan tự nhiên vào khí quyển. Quá trình đốt rừng khai hoang cũng bơm vô số carbon dioxide vào khí quyển. Tất cả tạo ra một hiện tượng mà người hiện đại cũng phải lo ngại, đó là hiệu ứng nhà kính.
Biến đổi khí hậu xảy ra, gây ra hạn hán triền miên. Cuộc sống càng khó khăn, những con người thông minh của đế chế huyền thoại càng ra sức đầu tư cho thủy lợi, cải tạo thiên nhiên và vô tình khiến tình trạng trầm trọng hơn. Để giữ cho các kênh rạch được thông thoáng, người Maya nhiều đời phải liên tục đốt bỏ bớt thực vật trong khu vực.
Thậm chí, khí hậu của cả hành tinh đã ấm lên một chút vào thời kỳ đó. Theo tiến sĩ Tim Beach, người đứng đầu nghiên cứu, chính cách người Maya tìm cách chế ngự thiên nhiên đã mở ra cho loài người một thời kỳ mới, khi mà môi trường trái đất dường như chuyển sang phụ thuộc vào con người.
Phát hiện này củng cố thêm cho 2 giả thuyết vững chắc nhất về sự tiêu vong của đế chế Maya – đó là hạn hán và chiến tranh. 2 nguyên nhân này rất có thể được phối hợp với nhau bởi hạn hán kéo dài, gây ra mất mùa, thiếu lương thực cũng thường đẩy con người vào cảnh bạo động triền miên. Một nghiên cứu khác công bố năm 2018 cho thấy vào những năm cuối của đế chế Maya, lượng mưa giảm đến 54%.
Phát hiện mới cũng đưa ra lời cảnh báo cho người hiện đại, vì biến đổi khí hậu đang là vấn đề lớn toàn cầu, từng được giới khoa học cảnh báo là sẽ đe dọa nền văn minh loài người.
Nghiên cứu của tiến sĩ Tim Beach và các cộng sự vừa công bố trên Proceedings of the National Academy of Science (PNAS).
Bình luận (0)