Theo tờ Space, dữ liệu thú vị đó đã bị bỏ sót trong gần 4 thập kỷ, khi các nhà khoa học thế giới nỗ lực phân tích "kho báu" của Voyager 2 - một trong những tàu vũ trụ từng đi xa nhất của NASA, đã bắt đầu tiến vào không gian giữa các vì sao.
Đó là phần dữ liệu về Sao Thiên Vương, hành tinh xếp thứ 7 trong hệ Mặt Trời. Trong số các mặt trăng quay quanh nó, có hai thế giới thú vị là Ariel và Miranda, được đặt tên theo nhân vật trong một vở kịch của Shakespeare thay vì theo các vị thần Hy Lạp - La Mã như các mặt trăng của những hành tinh khác.
Dữ liệu bức xạ và từ tính của tàu NASA vào năm 1986 cho thấy chúng đang thêm các hạt plasma vào hệ thống Sao Thiên Vương.
Cơ chế mà chúng làm điều này chưa được biết, nhưng có một cơ chế mà theo các nhà thiên văn là rất "trêu ngươi": Chúng có thể sở hữu đại dương ngầm bên dưới bề mặt băng giá như Europa của Sao Mộc hay Enceladus của Sao Thổ - những cái nổi tiếng là "mặt trăng sự sống" của hệ Mặt Trời.
Cách chúng giải phóng các chùm vật chất phun từ đại dương lên cũng rất giống cách mà Europa và Enceladus đã làm.
"Không có gì lạ khi các phép đo hạt năng lượng là tiền đề để khám phá các thế giới đại dương" - tác giả chính Ian Cohen từ Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng John Hopkins (APL - bang Maryland, Mỹ), nói.
Như vậy, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Cohen đã "nhặt" thêm được 2 thế giới đại dương tiềm năng, mà NASA vốn rất chào đón trong chuỗi dài những hoạt động tìm kiếm các thế giới có khả năng bảo tồn sự sống.
Điều này chỉ ra giá trị của một sứ mệnh tiềm năng trong tương lai: Đưa một tàu vũ trụ chuyên trách tiếp cận Sao Thiên Vương và các mặt trăng bí ẩn của nó - với số đếm được đã lên tới 27.
Bình luận (0)