Nhóm khoa học gia từ Đài thiên văn W.M.Keck (Hawaii - Mỹ) đã giải mã được bí ẩn của thiên hà ma quái DGSAT I và cho biết nó có thể là một "hóa thạch sống từ bình minh vũ trụ".
Thiên hà ma quái DGSAT I (ảnh trái) được đặt cạnh một thiên hà bình thường để so sánh, trong góc ảnh thực chụp từ trái đất - ảnh: A. Romanowsky/UCO/D. Martinez-Delgado/ARI
Được phát hiện vào năm 2016, thiên hà DGSAT I gây khó hiểu cho các nhà thiên văn học. Nó có kích thước lớn hơn thiên hà thông thường nhưng là dạng thiên hà siêu khuyếch tán: thay vì một chiếc đĩa đầy sao rực sáng, thiên hà này tỏa ra rất ít ánh sao, mờ tỏ như một bóng ma. Tuy nhiên, nó cũng sở hữu nhiều tính chất phá vỡ nhiều quy tắc chi phối các thiên hà siêu khuyếch tán tương tự.
Thông thường các thiên hà siêu khuyếch tán khác được tìm thấy trong các cụm thiên hà đông đúc. Các nhà thiên văn tin rằng chính các vụ va chạm thiên hà đã làm văng ra các "bóng ma" mờ nhạt siêu khuếch tán.
Nhưng DGSAT I là một bóng ma hoàn toàn cô độc. Các dữ liệu mới nhất cho thấy dường như nó đã thay đổi rất ít kể từ khi sinh ra. Nói cách khác, nó là một sinh vật tiền sử, một "hóa thạch sống" còn tồn tại đến thời hiện đại.
"Thành phần hóa học của một thiên hà cung cấp một bản ghi chép về các điều kiện môi trường xung quanh khi nó được hình thành, giống như cách các nguyên tố vi lượng trong cơ thể con người có thể tiết lộ thói quen ăn uống và sự tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong suốt cuộc đời họ" – phó giáo sư Aaron Romanowsky, đến từ Đại học Bang San Jose (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Các dữ liệu cho thấy thiên hà này hình thành từ thời vũ trụ còn non trẻ và tiếp tục hình thành cho đến ít nhất 3 tỉ năm về trước. Vì vậy, nghiên cứu về nó sẽ giúp các nhà khoa học hiểu thêm về vũ trụ thuở sơ khai.
Nghiên cứu sẽ được xuất bản chính thức trong số tháng 4-2019 của tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
Bình luận (0)