Nghiên cứu vừa công bố trên Cretaceous Reasearch đã tiết lộ sự kỳ lạ trong hóa thạch khổng lồ của một con "thằn lằn hộ pháp" titanosaur, một nhóm khủng long cổ dài và là sinh vật lớn nhất từng bước đi trên Trái Đất.
Hóa thạch "siêu quái thú" này đã 85,2 triệu tuổi, được tìm thấy ở Hệ tầng Adamatina có từ đầu kỷ Phấn Trắng ở một vùng ven của São Paulo, Brazil. Mẫu vật hoàn hão đến mức người ta có thể tìm thấy những thứ đặc biệt bên trong các cấu trúc từng là mạch máu của con vật.
Căn bệnh gây ra bởi các ký sinh trùng bé nhỏ đã khiến "quái thú" lớn nhất mọi thời đại chết trong đau đớn - Ảnh: Hugo Cafasso
Bằng phương pháp quét CT để tạo ra mô hình 3D của hóa thạch, nhóm khảo cổ của tiến sĩ Tito Aureliano và các đồng nghiệp từ Đại học Campinas và Đại học Liên bang São Paulo (Brazil) đã "chạm tay" tới các ký sinh trùng hóa thạch, được bảo quản hoàn hảo trong các mô mạch máu hóa thạch. Chúng là một loạt ký sinh trùng gây bệnh, đã khiến con vật bị viêm tủy xương nghiêm trọng. Viêm tủy và nhiễm ký sinh trùng cho đến ngày nay vẫn là những bệnh cảnh đầy khó khăn cho y học hiện đại.
Kết quả mang lại những hiểu biết mới trong lĩnh vực ký sinh trùng, bệnh học và mô học ở những sinh vật từng đi lại trên Trái Đất hàng chục triệu năm trước khi con người ra đời.
Những ký sinh trùng tổ tiên này nguy hiểm không kém ký sinh trùng hiện đại. Trong mô tả của nhóm khoa học gia, chúng đã khiến quái thú khổng lồ này chịu những cơn đau thấu xương về cuối đời, toàn thân lở loét. Tuy bé nhỏ, nhưng chúng đã hoàn toàn quật ngã "thằn lằn hộ pháp". Trước đó, đã từng có các ký sinh trùng cổ đại được tìm thấy trong hổ phách. Nhưng đây là lần đầu hóa thạch ký sinh trùng được tìm thấy bên trong một cơ thể hóa thạch khác.
Titanosaur với chữ "titan" xuất phát từ thần thoại Hy Lạp, chỉ các vị thần khổng lồ của thế giới sơ khai, là một nhóm khủng long đa dạng, độ dài trung bình 9-12 m, nặng khoảng 13 tấn, nhưng cũng có loài dài hàng chục mét và cân nặng lên đến 69 tấn.
Bình luận (0)