Redmatter được mô tả là thứ vật liệu siêu dẫn "rất đỏ", được tạo ra theo một kiểu "giả kim thuật" của thời hiện đại: Trộn một kim loại đất hiếm tên lutetium với hydro và một phần nhỏ ni-tơ, để chúng phản ứng trong 2-3 ngày ở nhiệt độ cao.
Tờ Independent trích dẫn mô tả của các nhà khoa học: Trong phòng thí nghiệm, dưới áp suất cao và các phản ứng kỳ diệu, hỗn hợp màu xanh lam ban đầu dần chuyển sang màu hồng và đạt được trạng thái siêu dẫn, sau đó tiếp tục trở thành màu đỏ sậm ở trạng thái không siêu dẫn.
Vật liệu mới khi chưa được áp suất cao làm đổi màu để đạt trạng thái siêu dẫn - Ảnh: Ranga Dias
Để hoạt động, khi sử dụng vật liệu cần được làm nóng đến 20,5 độ C, sau đó được nén ở áp suất khoảng 145.000 psi, điều giúp nó lấy lại được khả năng siêu dẫn - chính là thứ năng lực khiến vật liệu này có thể thay đổi thế giới.
Ưu việt hơn cả vàng, kim loại siêu dẫn này có thể truyền điện trong trạng thái mơ ước: Không có bất kỳ điện trở nào. Nhờ đó, nó có khả năng giúp tạo nên các lưới điện truyền năng lượng với hiệu suất cao nhất, tiết kiệm tới 200 triệu megawatt giờ bị tiêu hao do điện trở từ công nghệ hiện nay.
Nó cũng có thể góp phần vào phản ứng tổng hợp hạt nhân, một công nghệ được chờ đợi từ lâu để tạo ra sức mạnh vô tận. Ngoài ra, nó còn có khả năng đóng góp vào công nghệ tàu cao tốc, tàu lượn, các thiết bị y tế mới.
Vật liệu đột phá này ra đời nhờ bàn tay của nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Ranga Dias từ Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng thuộc Đại học Rochester (Mỹ).
Giáo sư Dias trước đó đã tìm ra 2 vật liệu khác, kém đột phá hơn một chút nhưng cũng là những vật liệu siêu dẫn có tính ứng dụng đáng kinh ngạc, được báo cáo trong 2 nghiên cứu đăng tải trên 2 tạp chí khoa học Nature và Physical Review Letters. Tuy nhiên, bài trên Nature sau đó bị rút lại vì một cuộc tranh luận chưa có hồi kết.
Vật liệu siêu dẫn cao cấp hơn redmatter vừa được mô tả trong một báo cáo mới, xuất bản trên Nature hôm 10-3.
Bình luận (0)