Ướp xác chờ phục sinh?
Sau 70 ngày, xác được vớt ra và tùy theo phương pháp hay vật liệu, xác được tẩm hương liệu rồi bọc vải gai hay nhồi trấu, mùn cưa vào lồng ngực, khoang bụng và hộp sọ. Các cơ quan nội tạng cũng được ướp hương liệu cùng những chất bảo quản rồi cho vào quách. Rõ ràng là không thể phục sinh một xác ướp đã được lấy hết não và cơ quan nội tạng. Nhưng người ta vẫn ngờ rằng có những lối ướp xác nhằm phục sinh nếu cách ướp không cần loại bỏ óc và cơ quan nội tạng. Sở dĩ như thế là vì nhiều người căn cứ vào những sự kiện sau đây.
Vào cuối thế kỷ 19, ông Samuel Hudwin, thợ đá ở Birmigham (Anh), khi xẻ một hòn đá tảng đã phát hiện trong lòng hòn đá có một hốc nhẵn lớn cỡ hai nắm tay, bên trong có một con ếch còn sống nguyên. Khi được đưa ra ngoài không khí, con ếch còn sống thêm vài giờ. Hồi đầu thế kỷ 20, khi đập vỡ một tảng than đá, người Anh cũng phát hiện một con ếch còn sống. Còn theo lời truyền miệng của người dân ở vùng nông thôn Anh thì lần nọ, khi phá một ngôi nhà cổ được xây dựng cách đó vài thế kỷ người ta phát hiện một nữ tu sĩ câm điếc bị giam cầm không rõ từ bao giờ trong bức tường dày, xung quanh thân thể được xây kín mít bằng đá tảng và vôi vữa.
Nhiều thí nghiệm đã được tiến hành để kiểm chứng. Vào năm 1925, một người Mỹ tên là F. Amstrong đã khoan lỗ nhốt 6 con ếch vào một khối đá sa thạch, 6 con khác vào một khối đá vôi rồi bít lại bằng hồ vữa và chôn sâu xuống đất. Một năm sau, đào lên, ông thấy đám ếch trong khối sa thạch đều đã chết, còn lũ ếch trong khối đá vôi vẫn sống khỏe, thậm chí còn... tăng trọng. Trước đó, một kỹ sư người Pháp tên là Seguine, khi đắp một bức tượng trong vườn, đã trộn 20 con ếch vào hồ vữa. 12 năm sau, do nhu cầu quy hoạch lại khu vườn, ông đập bỏ bức tượng và nhìn thấy 4 con ếch trong số đó còn sống.
Phương pháp ướp xác của người châu Á
Dĩ nhiên không thể căn cứ vào những câu chuyện chưa được khoa học kiểm chứng về lũ ếch nhái kể trên để kết luận rằng có thể ướp xác người chết chờ phục sinh. Tuy vậy, chuyện về hai bức tượng táng ở chùa Đậu (Việt Nam) cũng đáng để chúng ta suy ngẫm. Giáo sư, tiến sĩ sinh học N. Lissevik, người Nga, đã viết như sau trên tạp chí Sputnik, số 2-1989 (thời Liên Xô còn chưa tan rã): “Trước mặt tôi, trong tư thế ngồi xếp bằng trên tòa sen, phủ trên mình một tấm Phật y màu vàng, thân hình hơi nghiêng về phía trước, là sư Vũ Khắc Minh, người từng sống và tu hành tại ngôi chùa này khoảng 300 năm về trước. Trong những ngày cuối đời, khi biết mình sắp viên tịch, sư ông lui vào hậu đình nhà chùa, đóng cửa, dặn các đệ tử bao giờ không còn nghe tiếng tụng kinh thì mới mở cửa. Các nhà khoa học thời Hy Lạp cổ đại đã xác định được rằng con người chỉ có thể sống tối đa 40 ngày không ăn uống, thế mà sư ông chùa Đậu đã sống trọn 100 ngày trong tình trạng đó. Khi đã kiệt sức, không còn có thể đọc kinh, các đệ tử mở cửa vào với ông, ông lại dặn rằng hồn ông sắp đến lúc lìa khỏi xác. Sau một tháng, nếu có mùi hôi thối, tức xác đã rữa, thì đem chôn, còn nếu không thì hãy để ông ngồi yên tại vị trí cũ. 300 năm đã trôi qua với biết bao thăng trầm lịch sử, nhưng sư ông chùa Đậu vẫn ngồi đó như người đang sống...”.
Từ thế kỷ thứ 9, phương pháp tượng táng cũng từng được sử dụng trong tông nhánh Phật giáo Kukai ở Nhật Bản, nổi tiếng với nhiều điều huyền bí, đặc biệt là thuyết Sokusin Dzyobutsu, tức con người có thể trở thành chính quả ngay trong thân xác của chính mình. Để biến điều này thành hiện thực, đòi hỏi một quá trình chuẩn bị lâu dài, kỹ lưỡng và phải trải qua nhiều công đoạn cực kỳ phức tạp, rắc rối mà không phải bất cứ ai cũng có thể thực hiện được. Trước hết, người thực hiện phải trải qua một quá trình chuẩn bị về mặt tư tưởng, tâm lý khá phức tạp, gồm cầu kinh, thiền định, tịnh tâm tịnh ý, từ bỏ mọi thứ ham muốn, mọi thứ nhu cầu về tinh thần và thể chất ngay từ trong ý nghĩ... sau đó bước vào giai đoạn cuối, kéo dài không dưới 1.000 ngày. Yêu cầu của giai đoạn này là bất động, siêu thoát, thiền tâm nhập định, thở theo một phương pháp đặc biệt. Về chế độ ăn uống, tuyệt nhiên không thứ gì ngoài nước hồ bột, với liều lượng giảm dần và loãng dần. Càng gần về cuối, khi lượng dinh dưỡng đưa vào cơ thể hằng ngày tiến dần đến không, các mô tế bào phải tự đốt cháy để lấy năng lượng nuôi các cơ quan nội tạng. Sau một thời gian, khi các mô bị ''gặm'' hết, thân thể khô héo lại, chỉ còn lại phần da bọc bên ngoài xương. Chính nhờ vậy mà khi sự sống chấm dứt, thân thể cũng hầu như không còn thứ gì có thể thối rữa. Xác được đặt nơi khô ráo, mát mẻ để nhanh chóng hong khô những phần mô mềm còn sót lại. Điều đặc biệt là xác không hề được ướp tẩm bất cứ thứ vật liệu nào.
Cũng cần nói thêm là từng có nhiều môn đồ Kurai thực hiện phương pháp này nhưng số thành công rất ít. Hơn nữa, chính quyền phong kiến cùng các lãnh chúa ở Nhật Bản thời bấy giờ hết sức ngăn cấm việc thực hiện tượng táng, vì thế, số tượng còn lại trên đất Nhật ngày nay vô cùng ít. Nhưng dù sao, các tượng loại này ở Nhật Bản và Việt Nam cũng phản ánh một trình độ và quy trình ướp xác độc đáo của người châu Á thời trung đại. Độc đáo ở chỗ xác không phải được ướp theo đúng nghĩa của từ này, nghĩa là với các vật liệu, hương liệu cùng các phương tiện hỗ trợ khác, đặc biệt là não và các cơ quan nội tạng không bị đưa ra ngoài. Một điều nữa làm các nhà khoa học cũng phải ngạc nhiên khó hiểu là dù trong điều kiện nóng ẩm như ở Việt Nam, các bức tượng táng vẫn có thể tồn tại lâu dài, không bị nấm mốc tấn công, không phân hủy theo thời gian, dù không hề được bảo quản ít nhất là trong tủ kính.
Thành công của người Mỹ
Vào năm 1994, GS Ronald Wayde, thuộc Trung tâm Y khoa Đại học Maryland và GS Bob Brier thuộc Đại học Long Island lần đầu tiên đã thử nghiệm thành công thuật ướp xác theo lối Ai Cập trên xác của một người đàn ông 70 tuổi tình nguyện hiến xác phục vụ các yêu cầu khoa học.
Được biết, người Ai Cập sử dụng sợi lanh, dầu bá hương, tuyết tùng, cồn chưng cất từ nước dừa, trầm hương... để ướp xác. Bằng phương pháp thử và sai, hai người đã tìm ra công thức tỉ lệ cần thiết của các loại vật liệu kể trên. Sau khi xử lý, xác được để trong một căn phòng đóng kín, 35 ngày sau chỉ còn lại 20% khối lượng ban đầu và dừng lại ở đó, không giảm thêm nữa. Sau đó, suốt một thời gian dài, xác được giữ trong phòng mát, khô ráo, có ánh sáng nhẹ mà không hề bị biến đổi về phẩm chất, màu sắc. Đó quả là một thành công vang dội. Vâng, đã 2.800 năm trôi qua kể từ ngày thuật ướp xác của người Ai Cập bị chìm vào quên lãng... Trong 2 năm 1998 - 1999, xác ướp do Wayde và Brier thực hiện được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng Nhân chủng học San Diego và hiện được bảo quản tại Trung tâm Y khoa Đại học Maryland.
Đã có một vài hãng mai táng ở Mỹ mua lại công thức (nhưng không được phép phổ biến rộng rãi) và bắt đầu chào hàng dịch vụ ướp xác. Với 60.000 USD chi phí, khách hàng sẽ được thỏa mãn ý nguyện lưu lại hình hài của mình cho muôn thuở. Theo đánh giá của công luận, việc lưu giữ hình ảnh trực quan của con người có ý nghĩa sâu sắc trong việc gắn kết mối dây quan hệ gia đình, họ hàng, dòng tộc giữa các thế hệ sống cách nhau hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Hiện tại, trong số những người đăng ký ướp xác có nhà tỉ phú người Anh gốc Ai Cập Mohamed al Fayed, chủ hệ thống cửa hàng bách hóa Harrods ở London.
Bình luận (0)