Chuyện về thuốc Aslem bắt đầu từ năm 1958, khi GS Khương Hữu Quý (Paris, Pháp) chiết xuất và phân lập được hoạt chất Funturmin từ một loài cây có nguồn gốc châu Phi. Sau đó, GS Nguyễn Đang Tâm đã ngưng tụ Glycin và Funturmin bán tổng hợp và thử tác dụng dược lý của chất này. Năm 1973, GS Tôn Thất Tùng lần đầu tiên dùng Glycyl Funturmin để phối hợp điều trị cho những bệnh nhân ung thư gan tại Bệnh viện (BV) Việt Đức. Cũng trong thời gian này, GS Tôn Thất Tùng đã đề nghị Trường ĐH Dược Hà Nội nghiên cứu và tổng hợp Glycyl Funturmin.
Năm 1977, những sản phẩm bán thành phẩm đầu tiên có tên là Aslem do các nhà khoa học VN bào chế được sử dụng cho nhóm bệnh nhân ung thư gan tại BV Việt Đức. Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó nguồn Funturmin chiết xuất từ cây tự nhiên khan hiếm nên cách duy nhất, theo các nhà khoa học, là “bắt chước” hoạt chất này để điều chế thuốc Aslem.
PGS-TS Đào Kim Chi (Khoa Hóa sinh Trường ĐH Dược Hà Nội - thành viên của nhóm nghiên cứu Aslem) đã sang Hà Lan tìm đường nghiên cứu. Sau nhiều năm theo đuổi, năm 1982, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp thành công Glycyl Funturmin bằng phương pháp hóa học và chứng minh được chất này có tác dụng kích thích miễn dịch giống với Aslem của các bậc tiền bối. “Đây là sản phẩm thuốc miễn dịch đầu tiên được sản xuất thành công tại VN từ trước đến nay và có lẽ cũng là thuốc duy nhất vừa sản xuất, vừa thử nghiệm trên lâm sàng” – PGS-TS Chi tâm sự.
Quá trình 30 năm nghiên cứu
Cuộc nghiên cứu đầu tiên vào năm 1974 được tiêm trên 134 bệnh nhân ung thư gan tại BV Việt Đức với 28 bệnh nhân được thắt động mạch gan và tiêm Aslem, 10 bệnh nhân được cắt gan và tiêm Aslem, 27 bệnh nhân chỉ tiêm Aslem và 67 bệnh nhân còn lại chỉ điều trị bằng những thuốc thông thường. Kết quả, nhóm có sử dụng Aslem có thời gian sống thêm 6 - 12 tháng và nhóm còn lại không có trường hợp nào sống quá 6 tháng. Liên tiếp các cuộc thử nghiệm trên nhiều loại ung thư khác trong giai đoạn 1999-2004 đã ghi nhận những tín hiệu khả quan.
GS Đỗ Đức Vân, nguyên chủ nhiệm Khoa Tiêu hóa BV Việt Đức- người trực tiếp điều trị Aslem cho nhiều bệnh nhân ung thư, cho biết dùng bổ trợ Aslem điều trị trên bệnh nhân ung thư gan di căn giai đoạn nặng cho thấy bệnh nhân được phẫu thuật, không dùng Aslem có thời gian sống thêm sau mổ trung bình 11 tháng; bệnh nhân được phẫu thuật có dùng Aslem thời gian sống thêm sau mổ trung bình 20 tháng.
Thử nghiệm với 88 bệnh nhân ung thư phế quản tại Viện Lao và Bệnh phổi Trung ương, nhóm dùng Aslem sau phẫu thuật sống thêm từ 6 - 24 tháng so với nhóm không dùng. Theo dõi tiếp tục sau 3 năm nhận thấy tỉ lệ sống sót ở nhóm dùng Aslem là 70% so với 33% ở nhóm không dùng Aslem. Cũng trong năm 2004 hiệu quả của Aslem được tiếp tục khẳng định trong điều trị bổ trợ 74 bệnh nhân ung thư vú phối hợp với phẫu thuật, tia xạ và hóa chất ở Bệnh viện K. Những bệnh nhân này đều có cải thiện về thời gian sống thêm 4 năm so với nhóm bệnh nhân không được điều trị.
Theo GS Vân, trong số những người ông quen biết bị ung thư trực tràng, ưng thư gan có sử dụng Aslem từ 10 đến 15 năm trước, hiện vẫn sống khỏe mạnh. Đó là cụ T.C, 90 tuổi, ở Lý Thường Kiệt, Hà Nội, được điều trị Aslem từ những năm 1985 hay trường hợp ông N., hơn 60 tuổi nguyên là bác sĩ BV Bạch Mai, bị ung thư dạ dày cũng được điều trị kết hợp Aslem cách đây hơn 10 năm. Hiện những bệnh nhân bị ưng thư đang điều trị tại BV Việt Đức đều sử dụng Aslem.
Có quyền hy vọng
Hiện nay phương pháp điều trị bệnh ung thư vẫn là phẫu thuật, hóa chất và miễn dịch nhằm cải thiện bệnh tật, tăng thời gian sống sau khi mổ, tuy nhiên, việc sử dụng các chất kích thích miễn dịch còn hạn chế bởi giá thành quá cao và cũng có lúc khan hiếm. Vì thế, sự xuất hiện của Aslem với hiệu quả điều trị đã được BV Việt Đức chứng minh, giá thành tương đối rẻ (25.000 đồng ống, trung bình mỗi bệnh nhân ung thư 1 - 2 ống/ngày) và rất an toàn. PGS-TS Đào Kim Chi cho biết với một đợt điều trị 6 - 12 tháng, nếu dùng thuốc của Mỹ, Bỉ bệnh nhân phải tiêu tốn khoảng 10 - 15 triệu đồng, thì dùng Aslem chỉ tốn khoảng hơn 1 triệu đồng. Hiện công trình nghiên cứu thuốc Aslem đã được chuyển giao công nghệ cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn phải tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng để có đủ cơ sở khoa học thuyết phục quốc tế công nhận công trình.
Sau thành công với nghiên cứu thuốc tiêm Aslem, đầu năm 2008 các nhà khoa học Trường ĐH Dược Hà Nội lại bắt tay vào nghiên cứu thuốc Aslem dạng viên nén và viên ngậm để người nhiễm HIV có cơ hội tiếp cận với thuốc hơn là dạng tiêm.
“Mỗi năm lại có thêm hàng ngàn người bị bệnh ung thư, cứ nghĩ đến mỗi bệnh nhân được điều trị bằng Aslem, sẽ có thêm hy vọng kéo dài cuộc sống, chúng tôi lại có thêm động lực để tiếp tục nghiên cứu”- PGS-TS Đào Kim Chi bộc bạch.
Aslem không chỉ sử dụng cho bệnh nhân ung thư Theo PGS-TS Đào Kim Chi, vì là thuốc tăng cường khả năng miễn dịch nên Aslem, ngoài tác dụng với bệnh nhân ung thư còn có thể sử dụng được cho các bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch như bệnh gan mãn tính, suy thận, phổi, HIV. Những trường hợp phải dùng kháng sinh cũng có thể kết hợp dùng kèm Aslem. Đồng thời Aslem còn đặc biệt hiệu quả với bệnh nhân suy kiệt, giảm sức đề kháng do bệnh tật, tuổi tác. Vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu GS Đỗ Đức Vân: “Để có những kết quả thật chính xác, cần một nghiên cứu dài hơi hơn nữa về hiệu quả điều trị của Aslem. Mấy chục năm qua, những nỗ lực của các nhà khoa học chưa được quốc tế công nhận bởi chúng ta chưa đủ bằng chứng khoa học về hiệu quả sử dụng Aslem”. |
Bình luận (0)