Một trong những công cụ không thể thiếu với người dùng máy tính là phần mềm hỗ trợ đánh chữ tiếng Việt. Trên nền máy tính cá nhân thì phần mềm phổ biến Unikey cũng đủ thỏa mãn nhu cầu người dùng nhưng đối với nền di động thì khác vì khả năng đánh tiếng Việt không phải là thứ duy nhất, nó còn cần có cả một bàn phím ảo riêng.
Những lựa chọn miễn phí
Trên hệ điều hành Android, các tiện ích bàn phím ảo được tự do hơn nhiều so với iOS của Apple. Điều này cho phép các nhà phát triển thoải mái tạo ra nhiều thiết kế bàn phím ảo với nhiều tính năng vượt trội. Nhờ đó, số lượng các tiện ích bàn phím ảo hỗ trợ đánh tiếng Việt tồn tại với số lượng lớn trên nền Android. Có thể phân các tiện ích kiểu này thành hai loại: Miễn phí và có trả phí.
Loại bàn phím tiếng Việt miễn phí là nhiều hơn cả nhưng phải kể đến đầu tiên là bàn phím mặc định mà Google tích hợp nền Android. Bàn phím này tuy có hỗ trợ tiếng Việt nhưng không hỗ trợ bất kỳ cách gõ quen thuộc nào như VNI hay Telex mà buộc người dùng phải bấm giữ vào một phím chữ và lựa chọn các phiên bản có dấu của nó. Ngược lại, bàn phím mặc định của Google có hỗ trợ từ điển, cho phép sửa chính tả từng chữ và có cả hỗ trợ giọng nói khá chuẩn xác nhưng vẫn không phải là lựa chọn tối ưu cho người dùng trên Android.
Tiếp theo là các tiện ích bàn phím được phát triển bởi các nhà phát triển độc lập. Trong đó nổi bật nhất chính là tiện ích GoTiengViet 3 Vietnamese input của nhà phát triển Trần Kỳ Nam. Tiện ích này có rất nhiều tinh chỉnh, từ các nút hiển thị, cách gõ, bảng mã đa dạng. Nó cũng hỗ trợ bộ từ điển tiếng Việt nhưng chỉ cho sửa chính tả chứ không đoán trước từ người dùng đang gõ. Điểm yếu của tiện ích này là kho chủ đề giao diện hạn chế và thiết kế khá lỗi thời. Một số tiện ích miễn phí khác, trong đó có Bộ gõ tiếng Việt của Age of mobile, Việt Telex keyboard của Qik Math, chỉ đơn giản là bàn phím thiết kế theo kiểu mặc định của Google được thêm vào khả năng đánh Telex nhưng không mấy xuất sắc.
Laban Key của Vinagame (thay thế cho Zing Key), vượt trội nhất trong số các bàn phím miễn phí, bởi không những có số lượng lựa chọn, tính năng dày đặc như tiện ích GoTiengViet 3 mà còn có cả rất nhiều chủ đề thiết kế hiện đại cho người dùng lựa chọn. Bàn phím Go Keyboard cũng rất đáng chú ý, nhờ có khả năng cài đặt thêm các tiện ích Plugin mở rộng, cũng có khả năng đánh tiếng Việt nhưng lại hỗ trợ tiếng Việt rất hạn chế, chỉ có kiểu đánh Telex. Ngược lại, Go Keyboard có thể được tùy chỉnh một số lượng lớn các chủ đề thiết kế đa dạng, vượt xa số lượng có sẵn trong Laban key. Điểm khác biệt nữa là Laban key có thêm nút để khởi động khả năng nhận giọng nói của Google, trong khi Go Keyboard có thể cho phép người dùng đánh chữ bằng thao tác lướt ngón tay trên bàn phím thay vì gõ từng nút. Thế nhưng cả hai tiện ích kể trên chỉ có khả năng sửa chính tả từng từ khi đánh, không đoán được chữ.
Tiền nào của đó
Những tính năng vượt trội của bàn phím ảo thì lại có chủ yếu ở các tiện ích bàn phím trả phí. Nền Android có khá nhiều lựa chọn xuất sắc, tiếc rằng số lượng hỗ trợ tiếng Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Swiftkey (có giá 98.000 đồng) và Swype keyboard (84.200 đồng) là hai lựa chọn đáng giá nhất. Cả hai tiện ích này đã tồn tại từ lâu và đều tự hào là các bàn phím ảo đầu tiên có khả năng đánh chữ bằng thao tác lướt phím. Cả hai đều hỗ trợ tiếng Việt, với khả năng đoán chữ cũng như hỗ trợ đánh Telex. Hai phần mềm này cũng có sẵn một bộ từ điển riêng nên có thể đoán chữ một cách “thông minh” hơn.
So sánh chi tiết thì Swiftkey có khả năng đoán được nhiều cụm từ liên tiếp khi sử dụng thao tác lướt phím. Tuy nhiên, tốc độ đoán của Swiftkey không bằng Swype. Ngoài ra, Swype cũng có khả năng nhận giọng nói sử dụng công nghệ của hãng Dragon. Trong khi đó Swiftkey sử dụng hệ thống nhận giọng nói của Google. Hai tiện ích này đều có khả năng đánh nhiều ngôn ngữ cùng lúc, chẳng hạn như tiếng Anh và tiếng Việt song song. Điểm yếu duy nhất của hai tiện ích này là số lượng tùy chỉnh giao diện rất ít.
Cách gõ ưa chuộng
Một số tiện ích bàn phím ảo trên nền Android cũng nên nhắc qua. Đó là tiện ích miễn phí Viet Fast Keyboard của beodeulsoft. Tiện ích này sử dụng một bàn phím đặc biệt, với hệ thống 12 nút cho chữ cái, người dùng có thể nhấn giữ một nút và lướt lên chữ cần đánh. Ví dụ trong nút số 1 có lựa chọn chữ a, ă, â, b và số 1. Một nút khác dành riêng cho các dấu. Cách đánh này đòi hỏi người dùng phải tập một thời gian để làm quen nhưng khi đã thành thục thì nó tốc độ đánh nhanh hơn rất nhiều. Cách đánh chữ này rất hợp với nền di động, cũng là cách gõ chữ được ưa chuộng tại các nước có ngôn ngữ gồm nhiều ký tự như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Những bàn phím ảo độc đáo
Còn có rất nhiều tiện ích bàn phím ảo Android rất độc đáo nhưng chưa có hỗ trợ tiếng Việt. Phải kể đến Flesky, một bàn phím thiết kế cực kỳ đơn giản và sử dụng hoàn toàn các thao tác lướt, có cả hỗ trợ đánh chữ mà không cần hiển thị bàn phím. Minuum cũng rất thú vị bởi cực kỳ nhỏ gọn, chiếm rất ít diện tích màn hình nhưng tốc độ đoán chữ nhanh đáng nể. Nếu bạn biết tiếng Anh thì nên thử nghiệm tiện ích này.
Bình luận (0)