Người ta đã biết, khi tiếp xúc với CO2 trong không khí, peridotite sẽ tạo ra các khoáng chất cứng như đá vôi hay cẩm thạch nhưng mới đây các nhà khoa học mới biết rằng quá trình này cũng diễn ra cả dưới lòng đất và có thể nhanh hơn gấp 1 triệu lần.
Việc vận chuyển và xử lý peridotite trong các nhà máy sản xuất điện từ than đá, nơi tạo ra một lượng CO2 khổng lồ, rất bất tiện và tốn kém. Nhưng người ta lại có thể chuyển khí CO2 dễ dàng và ít tốn kém từ các nhà máy điện đến những nơi có nhiều peridotite, nhà địa chất học Peter Kelemen giải thích.
Kelemen làm việc tại Viện Nghiên cứu trái đất thuộc Đại học Columbia ở New York, tác giả chính của nghiên cứu, được đăng trong ấn bản điện tử tập san thuộc Viện Hàn lâm khoa học Mỹ ngày 10-11. “Cách tiếp cận này có thể cho phép phát triển một phương pháp thu giữ CO2 trong khí quyển với chi phí thấp”, Kelemen nói thêm. Kỹ thuật này có thể làm giảm đến 30 tỷ tấn CO2 trong khí quyển do các hoạt động của con người tạo ra hàng năm, phần lớn từ việc đốt cháy dầu mỏ và than đá.
Theo nghiên cứu, loại peridotite ở Oman có thể hấp thu tự nhiên từ 10.000 tấn đến 100.000 tấn CO2/năm, nhiều hơn so với mức các nhà địa chất học đã nghĩ. Bằng cách thúc đẩy một cách nhân tạo quá trình này, các mỏ peridotite ở Oman có thể hấp thu đến 4 tỷ tấn CO2/năm.
Nhiều mỏ peridotite lớn nằm trên các đảo ở Thái Bình Dương như Papua New Guinea hay New Caledonia, tại các bờ biển dài ở Hy Lạp và ở Nam Tư cũ. Các mỏ nhỏ hơn nằm ở phía Tây nước Mỹ cũng như tại nhiều nơi khác trên trái đất.
Bình luận (0)