Mặc dù tiểu hành tinh chỉ áp sát với khoảng cách 7,4 triệu km so với Trái Đất - khoảng 30 lần khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trăng, đây vẫn là lần tiếp cận gần nhất của tảng đá không gian với hành tinh chúng ta kể từ khi nó được phát hiện vào năm 2007, theo trang SpaceReference.org của Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA và Liên minh Thiên văn Quốc tế.
Tiểu hành tinh có đường kính khoảng từ 110 đến 200 mét, bay vút qua với tốc độ kinh hoàng 47.950 km/giờ.
Theo Live Science, tiểu hành tinh này được xếp vào lớp Apollo, có nghĩa là nó quay quanh Mặt Trời và đi qua quỹ đạo của Trái Đất. Có khoảng 15.000 tiểu hành tinh thuộc lớp này.
2007 FF1 quay quanh Mặt Trời sau 684 ngày hoặc đôi khi lâu hơn, thường xuyên áp sát. Lần tiếp cận cuối cùng của nó là tháng 8-2020, cách Trái Đất 17,3 triệu km.
2007 FF1 đã và sẽ nhiều lần tiếp cận gần với Trái Đất, được xếp vào nhóm "có khả năng gây nguy hiểm" mà các dự án phòng thủ Trái Đất sẽ phải hướng vào. NASA và các cơ quan vũ trụ khác vẫn đang giám sát chặt nó.
Nhưng may mắn là các dự báo dựa trên việc tính toán quỹ đạo của tiểu hành tinh thì ít nhất trong tương lai gần, nó sẽ không lao vào chúng ta. Lần tiếp cận gần nhất tiếp theo sẽ xảy ra vào năm 2037 với khoảng cách 7,9 triệu km.
Tuy nhiên không có nghĩa là nó, hay những tiểu hành tinh tương tự, không treo lơ lửng một mối đe dọa. Lịch sử Trái Đất đã chứng kiến nhiều sự kiện tương tự và thường dẫn đến đại tuyệt chủng, ví dụ loài khủng long cũng tuyệt chủng vì một tiểu hành tinh va chạm mang tên Chicxulub.
Vào năm 2021, NASA đã có bước tiến quan trọng trong hệ thống phòng thủ Trái Đất bằng việc phóng tàu vũ trụ làm chệch hướng tiểu hành tinh DART. DART sẽ đâm trực diện vào tiểu hành tinh Dimorphos vào mùa thu năm nay, làm thay đổi quỹ đạo của nó.
Đây là một cuộc tập trận. Nếu trong tương lai một tiểu hành tinh nào được dự báo sẽ lao vào chúng ta như Chicxulub, một "người anh em" của nó sẽ được phóng lên với mục đích đẩy tiểu hành tinh văng khỏi quỹ đạo "tử thần".
Bình luận (0)