Đối tượng mà các nhà khoa học thuộc Đại học Otago (New Zealand), bảo tàng Canterbury và Đại học Adelaide nghiên cứu là chim cánh cụt mắt vàng - loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Họ tìm thấy một số mẩu xương của chim cánh cụt có niên đại khá lớn trong một đống tro tàn do người Maori để lại. Kết quả kiểm tra ADN cho thấy gene từ những mẩu xương hoàn toàn khác so với chim cánh cụt mắt vàng hiện đại.
“Có thể nhận định rằng những mẩu xương đó thuộc về một loài chim cánh cụt đã tuyệt chủng cách đây khoảng vài trăm năm. Chúng tôi gọi loài cánh cụt mới là Waitaha”, Philip Seddon, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Người Polynesia tới New Zealand từ trước hoặc sau năm 1250 và đã đẩy nhiều động vật ở quần đảo này tới họa tuyệt chủng thông qua hoạt động săn bắn. Philip cho biết, niên đại của những mẩu xương mà ông và các cộng sự tìm thấy trong đống tro của người Maori cho thấy có một khoảng thời gian xen kẽ giữa sự biến mất của chim cánh cụt Waitaha và sự xuất hiện của chim cánh cụt mắt vàng.
Khoảng trống ấy khiến nhóm nghiên cứu suy đoán rằng sự biến mất của chim Waitaha tạo điều kiện cho chim cánh cụt mắt vàng sinh sôi mạnh mẽ trên các đảo chính của New Zealand khoảng 500 năm trước.
Rất có thể tình trạng cạnh tranh lãnh thổ giữa hai loài đã ngăn cản chim cánh cụt mắt vàng tiến về phía bắc. Như vậy, chim cánh cụt Waitaha là một ví dụ tiêu biểu về một loài chim bản địa không thể thích nghi với sự xuất hiện của con người.
Chim cánh cụt mắt vàng hiện được coi là loài quý hiếm trên thế giới. Các nhà khoa học ước tính rằng số lượng của chúng chỉ còn khoảng 7.000 cá thể ở New Zealand.
Bình luận (0)