Ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam giải thích: Việc Mặt Trăng và Trái Đất đến gần nhau không phải là hiện tượng lạ. Mặt Trăng quay quanh Trái Đất không phải theo quỹ đạo tròn mà theo quỹ đạo hình elip vì thế có lúc Mặt Trăng ở xa Trái Đất (viễn điểm) lúc lại ở rất gần Trái Đất (cận điểm). Trong mỗi chu kỳ quỹ đạo, Mặt Trăng đều đi qua cận điểm và viễn điểm.
Nghĩa là, trong mỗi chu kỳ quỹ đạo, Mặt Trăng và Trái Đất cũng ở gần với nhau nhất tại một thời điểm nào đó. Đôi khi do ngẫu nhiên Mặt Trăng và Trái Đất ở gần nhau vào đúng ngày rằm (ngày 19-3 vừa qua là một ví dụ). Khi đó người ta gọi sự trùng hợp này là "siêu Mặt Trăng" bởi do rơi vào đúng ngày rằm nên Mặt Trăng sẽ sáng và lớn hơn ngày thường (ngày 19-3 vừa qua, Mặt Trăng sáng hơn khoảng 30% và to hơn bình thường khoảng 14%).
Dự kiến vào ngày 17-4, Mặt Trăng không sát Trái Đất như ngày 19-3, vì thế độ sáng chỉ hơn khoảng 20% và to hơn khoảng 10% so với ngày bình thường.
Siêu trăng ngày 17-4 không giống với siêu trăng ngày 19-3.
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam còn cho biết thêm, có sự khác biệt giữa hiện tượng ngày 19-3 và ngày 17-4 này. Vào ngày 19-3, hiện tượng này đặc biệt bởi nó rơi vào đúng thời điểm trăng rằm. Ngày 19-3, trăng rằm đạt tới vào lúc 18 giờ 11 UTC (khoảng hơn 1giờ sáng ngày 20-3 giờ Việt Nam), trong khi Mặt Trăng đi qua cận điểm vào lúc 19 giờ 10 UTC (khoảng 2 giờ sáng giờ Việt Nam). Hai thời điểm này gần trùng khít với nhau, cộng với việc Mặt Trăng vào lúc cận điểm này chỉ cách Trái Đất 356.577km.
Nhưng, ngày 17-4, theo giờ và lịch âm thì là ngày rằm, nhưng thực tế trăng rằm xảy ra vào 2 giờ 44 UTC (tức khoảng 9 giờ 45 phút giờ Việt Nam) ngày 18-4. Trong khi đó, Mặt Trăng đi qua cận điểm vào 6 giờ UTC ngày 17-4, tức là trước đó tới hơn 20 giờ. Như vậy, không thể coi hiện tượng ngày 17-4 là sự trùng lặp với hiện tượng ngày 19-3. Mặt khác, khoảng cách của Mặt Trăng tới Trái Đất vào cận điểm của ngày 17-4 là 358.087km không gần so với ngày 19-3 vì thế, độ sáng và độ lớn cũng không bằng so với ngày 19-3.
TPHCM không đáng lo
Ông Nguyễn Đức Phường khẳng định không có mối liên hệ nào giữa việc Mặt Trăng và Trái Đất tiến gần nhau với các thảm họa, động đất, sóng thần... bởi lực hấp dẫn giữa Mặt Trăng và Trái Đất không đủ lớn để làm biến dạng, thay đổi cấu trúc địa tầng của Trái Đất. Hiện tượng siêu Mặt Trăng ngày 19-3 xảy ra gần với thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản ngày 11-3 chỉ là sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên.
Điểm tác động duy nhất của Mặt Trăng tới Trái Đất là làm cho thủy triều thay đổi. "Do địa hình thấp, mật độ sông nhiều nên TPHCM dễ bị ảnh hưởng bởi thủy triều, đặc biệt là triều cường. Tuy nhiên, thực tế, mức tác động là rất nhỏ so với các thiên tai khác. Nếu thời điểm Mặt Trăng và Trái Đất gần nhau đúng vào ngày rằm cũng chỉ làm thủy triều tăng thêm khoảng 10%. Ngày 17-4 này tác động thủy triều đối với TPHCM là không đáng lo ngại", ông Phường khẳng định.
1. Cũng trong ngày 17-4, một hiện tượng kỳ thú của thiên văn sẽ xuất hiện: Vào khoảng 19 giờ, nếu quan sát Mặt Trăng sẽ thấy Mặt Trăng cùng với sao Thổ (Saturn) và sao Spica (ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Virgo) ở gần nhau trên bầu trời. Chúng lập thành một tam giác vuông mà Mặt Trăng chính là góc vuông. |
Bình luận (0)