Với những đặc điểm kỳ lạ của mình, ngoại hành tinh mới phát hiện - K2-315b – được các nhà khoa học đặt biệt danh "π Earth", tức "Trái Đất Pi". Một năm trên Trái Đất Pi dài khoảng 3,14 ngày. Số Pi hay còn gọi là "hằng số Archimedes", có giá trị bằng tỉ số chu vi của một đường tròn với đường kính đường tròn đó, vốn có dãy số lẻ phía sau dấu phẩy dài lê thê nhưng được làm tròn thành 3,14 trong các phép tính.
Trái Đất Pi - ảnh đồ họa từ NASA/JPL-Caltech/MIT
Hành tinh này đã đi vào tầm quan sát của các nhà thiên văn như một bóng ma. Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sĩ Prajwal Niraula từ Viện Công nghệ Massachusett và Đài quan sát W. M. Keck đặt tại Hawaii (Mỹ) đã phát hiện ra 20 "vết lõm" trong ánh sáng ngôi sao mẹ K2-315 của nó. "Vết lõm" là cụm từ chỉ mức độ ánh sáng giảm đột ngột khi đo đạc – tức có thứ gì đó lướt ngang, chen giữa Trái Đất và ngôi sao đó.
Các bước phân tích tiếp theo cho thấy "bóng ma" thỉnh thoảng che mờ ngôi sao chính là Trái Đất Pi. Các dữ liệu quang phổ cũng hé lộ kích thước hành tinh là 95% kích thước Trái Đất, và cũng là một hành tinh đá như Trái Đất.
Với kích thước không quá xa – chỉ 186 năm ánh sáng – các nhà khoa học hy vọng các thiết bị quan sát tương lai, ví dụ Kính viễn vọng không gian James Webb đang được NASA đầu tư, sẽ giúp khám phá rõ ràng hơn Trái Đất Pi.
Tuy nhiên, khả năng sống được của nó rất mong manh. Tuy sao mẹ của nó có sức nóng kém hơn Mặt Trời rất nhiều, nhưng với khoảng cách rất gần, hành tinh này sẽ có nhiệt độ bề mặt khoảng 177oC.
Nghiên cứu vừa công bố trên The Astronomical Journal.
Bình luận (0)