Kết quả có thể chỉ ra sự tiến hoá từ bộ não của những tổ tiên xa xôi tới nhân loại ngày nay.
Có 2 chiến thuật cơ bản mà động vật sử dụng để ghi nhớ đồ vật: thông qua đặc điểm hay vị trí của đồ vật trong không gian.
Mọi động vật mà các nhà khoa học thử nghiệm đều khai thác cả hai chiến thuật trên. Nhưng nếu cuộc thí nghiệm buộc động vật phải chọn một trong 2 cách, thì một số loài như gà, cóc thích sử dụng chiến thuật dựa trên đặc điểm. Còn cá hay chó lại sử dụng chiến thuật dựa trên vị trí.
Nhà nghiên cứu Daniel Haun tại Viện nhân chủng học tiến hoá Max Planck tại Đức và cộng sự đã tìm hiểu các loài đười ươi, khỉ bonobo, tinh tinh, khỉ đột và con người. Họ muốn xem con người và các họ hàng gần nhất có sử dụng chung một chiến thuật để ghi nhớ đồ vật hay không. Bất cứ sự thay đổi nào giữa các loài hay trong một loài cũng hé lộ thông tin về sự tiến hoá.
Tại vườn thú Leipzig, các nhà khoa học giấu các phần thưởng như nho, chuối hay đồ chơi trong một hốc gỗ, tổ chim hay hốc đá.
Đôi khi phần thưởng được giấu dưới cùng một đồ vật nhưng vị trí lại thay đổi. Khi đó chiến thuật dựa trên đặc điểm sẽ phù hợp để tìm kiếm vật này. Còn khi khác, phần thưởng được giấu tại cùng một nơi nhưng lại dưới các vật thể khác. Chiến thuật dựa trên vị trí sẽ thích hợp để tìm kiếm.
Khi trẻ sơ sinh được 1 tuổi, chúng thích chiến thuật dựa trên vị trí giống các loài linh trưởng khác. Điều này cho thấy não người và vượn khởi đầu giống nhau, ít nhất trong việc ghi nhớ đồ vật. Tổ tiên chung gần nhất của người và các loài vượn lớn khác có từ 15 triệu năm trước, cho thấy sở thích chung này là một phần của cấu trúc não từ thời đó.
Tuy nhiên, trẻ 3 tuổi lại thích chiến thuật dựa trên đặc điểm hơn. Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự chuyển dịch này trùng với thời điểm khi con người bắt đầu bước vào cuộc sống xã hội và học hỏi các kỹ năng mới như ngôn ngữ.
Trong tương lai, Haun hy vọng sẽ tìm hiểu liệu các vùng não phát triển, như ngôn ngữ, có liên quan tới sự thay đổi trong cách thức ghi nhớ đồ vật của con người.
Bình luận (0)