Theo tờ Live Sicence, quần thể gồm hàng ngàn viên đá riêng lẻ, hầu hết dựng thẳng đứng, trải dài trên một diện tích khổng lồ là 1.500 mẫu Anh (600 ha), bao phủ cả một vùng đồi.
Một số tảng đá lớn nhất đứng riêng lẻ, các tảng khác được sắp xếp để tạo thành các lăng mộ, gò, vòng tròn đá, tường bao và các hàng thẳng, tạo thành một quần thể vô cùng phức tạp mà các nhà khoa học đặt tên là La Torre-La Janera.
Một khu vực nhỏ trong quần thể cự thạch vừa được tìm thấy ở miền Đông Nam Tây Ban Nha - Ảnh: HUELVA UNIVERSITY
Đây là một trong những cụm di tích đồ đá mới lớn nhất châu Âu từng được khai quật và có lẽ là cái lớn nhất trong chủng loại của nó - những vòng đá khổng lồ kiểu Stonehenge, tức vòng tròn đá danh tiếng 4.500 tuổi ở Anh. Nhưng Stonehenge nhỏ bé hơn rất nhiều.
Stonehenge cũng sở hữu những dấu hiệu đa dạng của một nơi tụ tập phục vụ các nghi lễ, có cả hài cốt người và những dấu hiệu cho thấy các khối đá được sắp xếp phù hợp với một số mô hình thiên thể, nên được nghi ngờ là một trong những đài thiên văn sơ khai nhất của nhân loại.
Toàn bộ cấu trúc khổng lồ trải rộng từ đỉnh lan sang các sườn của một ngọn đồi - Ảnh: HUELVA UNIVERSITY
Cấu trúc mới ở Tây Ban Nha được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2018 khi một khu đất được đào xới để chuẩn bị trồng bơ. Các nhà khảo cổ đã mất nhiều năm để khai quật quần thể lớn ngoài sức tưởng tượng cũng như tìm hiểu sơ lược về nó.
Kết quả giám định cho thấy những tảng đá cổ xưa nhất của "Stonehenge bản phóng to" đã được dựng lên từ 7.500 trước với nhiều công dụng phức tạp. Một số tảng dựng lên sau đó, có niên đại 3.000 - 4.000 năm
"Đánh dấu lãnh thổ, nghi lễ, thiên văn, du lịch... Toàn bộ cấu thành một siêu địa điểm thời tiền sử" - Live Science dẫn lời nhà khảo cổ học José Antonio Linares từ Trường ĐH Huelva, tác giả chính của nghiên cứu về La Torre-La Janera, vừa công bố trên tạp chí khoa học Trabajos de Historia.
520 tảng trong số hàng ngàn viên đá là tảng cự thạch đứng, đa số thuộc vào nhóm đá cổ xưa nhất. Một số tảng khác tạo ra các ngôi mộ có mái che nổi bật, một số tảng được xếp như phần thân mộ, mà các nhà khoa học hy vọng sẽ tìm thấy hài cốt khi khai quật đến. Một số tảng đá khác phù hợp với các sự kiện thiên văn nhất định.
Các nhà khảo cổ nghi ngờ hoạt động xây dựng các quần thể cự thạch như thế có thể đã lan rộng khắp châu Âu trong thời kỳ đồ đá mới, liên quan đến những làn sóng di cư liên tiếp, có lẽ là nhóm người từ vùng Cận Đông, những người sau đó đã đồng hóa với các dân tộc săn bắn - hái lượm bản địa để tạo thành những người dân châu Âu ngày nay.
Bình luận (0)