Theo Live Science, các nhà cổ sinh vật học đã kiểm tra lông vũ của ba loài động vật cổ đại và đối chiếu chúng với lông của chim hiện đại - những "hậu duệ" còn sống của khủng long.
Các mẫu vật cổ đại bao gồm lông của Confuciusornis, tức "khủng long Khổng Tử" nổi tiếng được khai quật trước đó ở Liêu Ninh. Sinh vật 125 triệu tuổi này được đặt tên theo tên triết gia, chính trị gia lừng danh của Trung Quốc vì nơi nó được phát hiện gần với quê hương ông.
Hóa thạch bộ xương của khủng long Khổng Tử - Ảnh: CƠ SỞ DỮ LIỆU KHỦNG LONG
Khủng long Khổng Tử cũng được xem như một loài chim nguyên thủy, sinh vật đại diện cho bước tiến hóa quan trọng khi khủng long biến thành chim.
Loài cổ đại thứ hai là một khủng long giống chim mang tên Sinornithosaurus, cũng 125 triệu tuổi và cũng ở Liêu Ninh.
Niên đại này khiến hai loài khủng long nói trên đại diện cho giai đoạn đầu của kỷ Phấn Trắng, là giai đoạn hoàng kim của các loài khủng long và cũng là thời kỳ họ nhà chim chập chững tách loài.
Hóa thạch lông vũ được phân tích thứ ba thuộc về một loài chưa xác định, mang dáng dấp của chim nguyên thủy, 50 triệu tuổi và được khai quật từ Hệ tầng sông Green ở bang Wyoming - Mỹ.
Lông vũ của sinh vật bí ẩn ở Wyoming - Ảnh: Tiffany Slater
Lông vũ của cả ba được đối chiếu với chim hiện đại và tất cả đều hé lộ dấu vết bất ngờ của protein beta corneous (CBP), là thứ cần thiết để tăng cường sức mạnh cho lông để bay.
Điều này hoàn toàn phá vỡ các kết quả nghiên cứu trước đây cho rằng lông khủng long giống chim - chim nguyên thủy hoàn toàn khác với chim hiện đại và chủ yếu chứa các loại protein alpha yếu hơn chứ không mang CBP hiện đại.
"Các báo cáo ban đầu cho rằng lông vũ cổ đại được cấu tạo chủ yếu bởi protein alpha có thể là tạo tác của quá trình hóa thạch" - TS Tiffany Slater, nhà cổ sinh vật học từ University College Cork (Anh), thành viên nhóm nghiên cứu quốc tế, cho biết.
Vì vậy, nghiên cứu vừa công bố trên Nature Ecology and Evolution này mới đã đẩy lùi lịch sử tiến hóa lông vũ hàng chục triệu năm và chỉ ra nhiều đặc điểm ở chim hiện đại có thể có nguồn gốc cổ xưa hơn rất nhiều,
Các đặc điểm đó đã được bảo tồn ngoạn mục xuyên qua đại tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng do tiểu hành tinh khổng lồ Chicxulub gây ra.
Ngoài ra, đây là một minh chứng khác cho thấy khu vực Đông Bắc Trung Quốc là một địa điểm thú vị cho các nhà cổ sinh vật học, là nơi các khủng long giống chim sinh sống dày đặc, bên cạnh một khu vực khác là Bắc Mỹ.
Bình luận (0)