Thực trạng nước nhiễm thạch tín ở nước ta hiện rất đáng báo động, đặc biệt ở hai khu vực đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL. Tại nhiều nơi ở hai khu vực này, số hộ dân dùng nước giếng trong sinh hoạt vẫn còn rất cao. Một số nghiên cứu do UNICEF tiến hành tại hai khu vực này đã nhận định mức độ ô nhiễm thạch tín trong nguồn nước ngầm rất nghiêm trọng. Thạch tín là chất độc cực mạnh, liều gây chết rất nhỏ nên việc phát hiện chúng trong nguồn nước để sớm có biện pháp ngăn chặn là rất quan trọng.
Người dân có thể tự kiểm tra
Các cách thức xét nghiệm tìm thạch tín trước đây thường rất phức tạp, chi phí cao, người dân khó tiếp cận để sử dụng. Các bộ kit xét nghiệm của nước ngoài thì giá thành cao, cách sử dụng phức tạp và còn nhiều sai số. Do đó, việc tạo ra một bộ kit giá thành rẻ, dễ sử dụng, kết quả chính xác để người dân sử dụng là việc cần thiết phải làm.
Thạc sĩ Lê Trọng Văn, Viện Kỹ thuật hóa sinh và Tài liệu nghiệp vụ - Bộ Công an, cho biết như vậy khi nói về bộ kit kiểm tra nhanh hàm lượng thạch tín trong nước mà ông là tác giả. Với bộ kit này, người dân có thể tự kiểm tra xem có sự hiện diện của thạch tín trong nước hay không.

Ở ĐBSCL, nhiều nơi người dân vẫn còn sử dụng nước giếng nên nguy cơ nhiễm thạch tín rất cao
Bộ kit được chế tạo trên nguyên lý phát hiện thạch tín bằng phản ứng màu của thạch tín và một muối của halogen. Khi thạch tín phản ứng với một muối của halogen sẽ cho phản ứng màu (kết tủa màu vàng) thể hiện định tính, định lượng của thạch tín. Từ định lượng và định tính thu được, giúp xác định sự có mặt và hàm lượng của thạch tín có trong nước.
Dễ áp dụng rộng rãi
Các kết quả nghiệm thu cho thấy bộ kit này có thể kiểm tra nhanh thạch tín trong nước uống, nước sinh hoạt, thực phẩm với khả năng phát hiện chính xác tới 90% trong thời gian dưới 15 phút. Giá thành của mỗi đơn vị xét nghiệm khoảng từ 10.000 đến 20.000 đồng. Công nghệ chế tạo bộ kit này đều dựa vào nguồn nguyên liệu và dây chuyền máy móc sẵn có trong nước.
Người sử dụng chỉ cần đặt giấy chỉ thị vào một nắp lọ phản ứng, đổ mẫu nước, dung dịch và bột khử vào lọ phản ứng theo chỉ dẫn rồi đậy chặt nắp lại. Khi giấy chỉ thị chuyển sang màu vàng là biết nước có nhiễm thạch tín. |
Bình luận (0)