Bản đồ được tạo ra bởi nhóm nghiên cứu từ Đại học New York Abu Dhabi (NYUAD) và Trung tâm Khoa học vũ trụ UAE, dựa trên dữ liệu của tàu quỹ đạo Emirates Mars Mission (EMM), còn được gọi là tàu Hy Vọng.
"Hy vọng rằng công cụ tiếp cận này sẽ biến nó thành một công cụ tuyệt vời cho các nhà nghiên cứu và cả sinh viên để tìm hiểu thêm về Sao Hỏa và giới thiệu những khả năng mà ngành khoa học vũ trụ UAE có thể mang lại" - trưởng nhóm khoa học Dimitra Atri từ NYUAD nói.
Bản đồ Sao Hỏa hứa hẹn cung cấp nhiều cơ sở thú vị cho các nghiên cứu khoa học về hành tinh được giới khoa học vũ trụ quan trọng hàng đầu - Ảnh: NYUAD
Bản đồ này, một dạng "atlas Sao Hỏa", được kỳ vọng sẽ giúp giải mã cả điều bí ẩn vì sao Sao Hỏa từ một hành tinh xanh giống Trái Đất trở nên khô cằn như hiện nay.
Trước đó, các bằng chứng khoa học đã củng cố giả thuyết rằng hành tinh nằm trong vùng sự sống Goldilocks của hệ Mặt Trời này được sinh ra để sống, với sông, hồ, đại dương như Trái Đất. Thậm chí có thể nó đã từng có sự sống. Sự sống này có thể đã tuyệt chủng hoặc ẩn nấp đâu đó.
Sự hiện diện của một bản đồ chi tiết sẽ giúp định hướng cho nhiều sứ mệnh tương lai, đưa ra cái nhìn tổng quan để tìm hiểu những cấu trúc phù hợp với mục tiêu của từng sứ mệnh.
Để tạo ra bản đồ, nhóm đã thu thập hơn 3.000 hình ảnh quan sát từ hệ thống hình ảnh hiện đại EXI trên tàu EMM với khoảng thời gian tương đương 2 năm Trái Đất và ghép chúng lại để tạo một bản đồ hỗn hợp.
Bản đồ cho thấy rõ ràng các chỏm băng cực, núi và núi lửa đã ngừng hoạt động, tàn dư của sông hồ và thung lũng cổ đại cách đây khoảng 3,5 tỉ năm, mà các nhà khoa học tin chắc rằng đã từng tràn ngập nước.
EMM vẫn sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu đầy tham vọng của cơ quan vũ trụ UAE là cung cấp một bức tranh toàn cầu về khí hậu Sao Hỏa, với sự thay đổi theo mùa được phản ánh thật chi tiết.
Bình luận (0)