"Đó là điều thật cay đắng"!
Theo thông báo của hội đồng xét giải, giải Nobel vật lý 2008 được trao như sau: ½ giải thuộc về hai nhà vật lý Nhật Bản Makoto Kobayashi và Toshihide Maskawa nhờ có những “phát hiện mang tính mở đường” về nguồn gốc của phá vỡ đối xứng, trong đó báo trước về sự tồn tại của ít nhất 3 loại hạt quark trong tự nhiên. ½ giải còn lại được trao cho nhà khoa học Mỹ gốc Nhật Yoichiro Nambu, thuộc ĐH Chicago, do có công phát hiện cơ chế "phá vỡ đối xứng tự phát" trong vật lý hạ nguyên tử. Tổng giá trị tiền thưởng giải Nobel năm nay là 1,4 triệu USD.
Các nhà khoa học Italia bất bình về kết quả trao giải này, vì một nhà vật lý của họ đã bị bỏ quên, đó là Nicola Cabibbo. Viện Vật lý hạt nhân quốc gia Italia (INFN) chỉ trích đó là một quyết định thiếu công bằng, bởi đóng góp quan trọng của Nicola Cabibbo không được ghi nhận. Theo INFN, Cabibbo chính là người đã xây dựng những nền tảng khoa học trong nghiên cứu về nguồn gốc của phá vỡ đối xứng; còn Makoto Kobayashi và Toshihide Maskawa – hai nhà vật lý Nhật Bản được trao giải Nobel 2008 – chỉ là những người tiếp tục mở rộng thêm. Từ đó mới có cái gọi là công thức “Ma trận Cabibbo-Kobayashi-Maskawa (viết tắt: CKM-Matrix). "Trong khi 'K' và 'M' của công thức này được tôn vinh, thì 'C' lại bị gạt bỏ ra ngoài", tờ La Repubblica của Italia “cay cú” bình luận.
Chủ tịch danh dự Hội Vật lý Italia, ông Renato Angelo Ricci, cũng cho rằng việc trao giải như trên là “một vụ tai tiếng khó có thể tin nổi”. Trả lời phỏng vấn báo Corriere della Sera, ông khẳng định: "Cabibbo là người đầu tiên và là người góp phần cơ bản trong việc phát hiện ra cơ chế của hiện tượng”. Còn Kobayashi và Maskawa chỉ là người triển khai thêm phát hiện đó. Thế nhưng trong khi Kobayashi và Maskawa được trao giải Nobel, còn Cabibbo thì không. "Đó là điều thật cay đắng", Viện trưởng INFN Roberto Petronzio than vãn.
“Sai sót đáng tiếc”
Tại Pháp cũng có những ý kiến “kiện cáo” tương tự đối với giải Nobel Y học 2008. Các nhà khoa học Pháp yêu cầu cùng với Luc Montagnier và Françoise Barré-Sinoussi, hội đồng chấm giải ở Stockholm cũng phải ghi nhận công lao của Jean-Claude Chermann, một cộng sự trước đây của hai nhà nghiên cứu nói trên, trong việc phát hiện ra HIV, virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS).
Bộ ba tìm ra HIV: Bức ảnh chụp năm 1984 (từ trái sang) giáo sư Luc Montagnier, Jean-Claude Chermann và Françoise Barre-Sinoussi. Trong đó Chermann lại không được ghi nhận công lao |
Một ủy ban ủng hộ Chermann đã được thành lập và đã tìm cách liên hệ với hội đồng chấm giải Nobel ở Stockholm. Với hy vọng còn có thể khắc phục được “sai sót đáng tiếc” nêu trên, những người ủng hộ ông Chermann khẳng định rằng trong việc phát hiện ra virus HIV, ông Chermann cũng có những đóng góp quan trọng như Montagnier und Barré-Sinoussi. Họ cho biết Chermann cùng làm việc với Barré-Sinoussi trong phòng thí nghiệm thuộc khoa do giáo sư Montagnier làm chủ nhiệm ở Viện Pasteur Paris. Vì thế không thể bỏ qua những đóng góp của ông được.
Những người đòi ghi nhận công lao của ông Chermann đã đưa ra nhiều dẫn chứng, trong đó đặc biệt có một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Science. Trong bài viết đầu tiên được đăng tải sau khi phát hiện ra HIV vào năm 1983 này, Barré-Sinoussi và Chermann được ghi là đồng tác giả. Theo thông lệ của các bài viết khoa học, với tư cách là sếp của hai nhà khoa học nói trên Montagnier được xếp tên ở hàng thứ ba.
Nhà vật lý học Italia Nicola Cabibbo: Thành phần ‘C’ trong công thức “CKM-Matrix “ , nhưng bị ủy ban chấm giải Nobel bỏ quên |
Ngay cả Robert Gallo, một giáo sư Mỹ vẫn khẳng định mình mới chính là người phát hiện ra virus HIV là nguyên nhân dẫn tới AIDS, cũng không được ủy ban chấm giải Nobel xét tới. Từ nhiều năm nay Gallo và các nhà khoa học Pháp nêu trên vẫn tranh cãi nhau về việc ai là người đầu tiên phát hiện ra virus HIV.
Theo thông báo của ủy ban trao giải Nobel công bố ngày 6/10, giải Nobel Y học năm nay (với tổng giá trị tiền thưởng 1,4 triệu USD) được trao cho 3 nhà khoa học: ½ giải thuộc về nhà khoa học người Đức Harald Zur Hausen, 72 tuổi, vì đã phát hiện virus sinh u nhú, nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung. Một nửa giải còn lại chia đều cho hai nhà khoa học người Pháp Françoise Barré-Sinoussi (61 tuổi) và Luc Montagnier (76 tuổi) với công trình phát hiện virus HIV.
Bình luận (0)