Bí mật não không biết đau
Người ta coi những bệnh nhân này như những người anh hùng vì họ đã trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ u ung thư trong não kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ mà mắt vẫn mở thao láo. Họ giữ cho mắt mở to để nhìn lên màn hình máy vi tính và gọi tên các đồ vật lần lượt xuất hiện trên màn hình, “Đây là chiếc máy bay, kia là cái ghế...)”, giống y như trong một bài học gọi tên đồ vật của lớp học mẫu giáo. Trong thời gian đó, bác sĩ phẫu thuật cúi xuống sọ đầu của bệnh nhân đã được mở sẵn, luồn lách lưỡi dao vào bên trong não bệnh nhân để lấy ra khối u tiền ung thư. Cho đến nay, tổng cộng đã có khoảng 160 bệnh nhân được phẫu thuật theo phương pháp mới này tại Bệnh viện Pitié-Salpêtrière ở Paris, Pháp. Đến nay, trên cả nước Pháp đã có khoảng 10 bệnh viện đại học có áp dụng phương pháp điều trị mới này.
Mổ não bệnh nhân vẫn ở trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo hiện đã được chấp nhận như một phương pháp điều trị trên toàn nước Pháp. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn còn làm không ít bệnh nhân mới chỉ nghe nói đã khiếp sợ và rút lui. Năm 1996, GS Hugues Duffau, bác sĩ phẫu thuật thần kinh, đã quyết định không phẫu thuật não bệnh nhân của mình bằng gây tê toàn thân mà chỉ gây tê phần da đầu cần phẫu thuật. Thực ra cách làm này của GS Duffau chẳng có gì mới vì phương pháp chỉ gây tê phần da đầu cần mổ đã bị bỏ xó từ thập niên 1950 trước khi cuộc cách mạng về các phương pháp gây tê nổ ra. Tuy nhiên, việc GS Duffau chọn phương pháp này là có lý do riêng. Từ khi được đào tạo tại Đại học Seatle, Mỹ, Duffau mới biết rằng phần óc con người không có cảm giác đau như các bộ phận khác của cơ thể. Lợi dụng đặc tính này, người ta đã đưa ra một phương pháp phẫu thuật não bộ hoàn hảo: Chỉ gây tê phần da đầu cần phẫu thuật, sau khi lật phần da và xương sọ đó lên, bệnh nhân được đánh thức trở lại. Tại sao phải làm vậy, tại sao các bác sĩ không để bệnh nhân ngủ luôn đi để phẫu thuật cho dễ? Lý do đơn giản là những khối u ung thư thường nằm trong vùng thần kinh liên quan tới chức năng ngôn ngữ và vận động.
Bệnh nhân nói, đếm, hát... trong lúc phẫu thuật
Trong suốt quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được chỉ dẫn cử động nhẹ tay chân, nói, đếm và thậm chí ca hát. Làm như vậy, bác sĩ phẫu thuật có thể kiểm tra liên tục lưỡi dao mổ của ông ta trong quá trình luồn lách vào khối u, không gây tổn hại tới bất kỳ một chức năng nào của não. Tất cả các chỉ dẫn trên được áp dụng cho từng trường hợp bệnh nhân khác nhau, bởi lẽ ở mỗi người, các mức độ nguy hiểm lại khác nhau.
Ca phẫu thuật hồi tháng 2-2005 cho một nam bệnh nhân tên Gilles tại Bệnh viện Pitié-Salpêtrière, Paris là một ví dụ điển hình. Bệnh nhân 32 tuổi này bị một khối u ác tính nằm ngay chính giữa vùng Broca - vùng thần kinh chức năng ngôn ngữ. Việc mà Gilles cần làm trong lúc các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u trong não của anh là trả lời những câu hỏi của bác sĩ, nhận biết và gọi tên những bức hình lần lượt hiện trên màn hình máy vi tính.
Sau khi những công việc chuẩn bị ban đầu như mở hộp sọ hoàn tất, Gilles được đánh thức trở lại. Nhóm bác sĩ phẫu thuật do GS Duffau phụ trách chính bắt đầu tiến hành luồn dao mổ vào bên trong khối chất xám để tiến tới khối u quái ác kia. Khi lưỡi dao của GS Duffau bắt đầu men theo khe các lớp ngăn cách giữa các vùng não thì giọng nói của Gilles cũng bắt đầu cất lên: “Đây là con voi, kia là chiếc máy bay”. Thấy bác sĩ phụ trách hướng dẫn Gilles nhận biết và gọi đồ trên màn hình ra dấu cho biết rằng các chức năng thần kinh của Gilles vẫn bình thường, GS Duffau tiếp tục nhấn lưỡi dao của mình vào sâu hơn, vừa làm ông vừa quan sát màn hình máy vi tính mô tả đường đi của lưỡi dao, đồng thời nhìn sang phía bác sĩ phụ trách hướng dẫn Gilles. Đột nhiên, Duffau quan sát thấy đồng nghiệp của mình ra dấu mạnh báo hiệu Gilles mất khả năng nhận biết, ông liền rụt lưỡi dao lại một chút, một bác sĩ phụ mổ khác nhanh tay giữ giùm GS Duffau chiếc dao đã đi được một quãng đường an toàn, sau đó vị GS này cầm lấy hai đầu que xung điện não khẽ chạm nhẹ vào bề mặt bộ phận não đang can thiệp. Khoảng 1 phút sau, Gilles lại nhận biết được các đồ vật như bình thường. GS Duffau lúc này an tâm tiếp tục lách chiếc dao mổ, nhưng theo một hướng khác, tránh chỗ vừa nãy. Khi dao mổ của GS Duffau nhích thêm được khoảng 2 cm vào trong não thì đột nhiên Gilles nhận biết sai đồ vật xuất hiện trên màn hình máy vi tính (thay vì là một khẩu pháo, Gilles lại gọi là xe tăng). Viên bác sĩ theo dõi ra dấu rằng Gilles bị rối loạn chức năng ngôn ngữ rồi, GS Duffau lại rút lưỡi dao lại một chút. Cứ như vậy, cuộc phẫu thuật diễn ra khoảng 2 tiếng rưỡi, cuối cùng, các bác sĩ lấy ra được một khối u có thể tích 80 cm3 màu vàng cam, hơi mềm.
Sau khi được chuyển bệnh nhân sang phòng hậu phẫu, các bác sĩ lúc này tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả các chức năng của anh. Hoàn hảo! Gilles tươi cười nói chuyện và đi lại bình thường. Cuộc cách mạng trong phẫu thuật này mặc dù không thể chữa khỏi hẳn bệnh ung thư não, nhưng nó giúp người ta kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, kéo dài được bao nhiêu năm thì đến nay các nhà khoa học vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Ngoài ra, phương pháp phẫu thuật này chỉ áp dụng được cho một số loại u ung thư đặc biệt trong não. Đó là các khối u phải nằm ở hệ thần kinh trung ương. Bên cạnh đó, các bệnh viện ở Pháp cũng chỉ dám nhận phẫu thuật cho các bệnh nhân có khối u phát triển chậm.
Theo thống kê, tỉ lệ thành công của phương pháp phẫu thuật này lên đến 94%, tỉ lệ di chứng sau mổ chỉ là 6,5%, trong khi đối với những người phẫu thuật được gây tê toàn thân thì tỉ lệ này là 17%.
Bình luận (0)