Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Scott Sheppard từ Viện Khoa học Carnigie (Mỹ), sử dụng dữ liệu mà các nhà thiên văn từ Đại học Brown (Đảo Rhode) vừa thu thập được giữa tháng 8-2021.
Tiểu hành tinh mới (màu đỏ) với quỹ đạo elip quanh Mặt Trời - Ảnh: Đại học Brown
Theo Science Alert, 2021 PH27 là một tiểu hành kỳ lạ có bề rộng khoảng 1 km, có thể từng là một sao chổi ngoài hệ Mặt Trời nhưng đã bị hủy hoại, chỉ còn trơ một tảng đá không gian trên chuyến du lịch vào sâu bên trong hệ Mặt Trời. Hiện nó đã đi vào một quỹ đạo cực gần xung quanh Mặt Trời, khoảng cách trung bình chỉ xa hơn Sao Thủy một chút. Mất chỉ 113 ngày cho 1 vòng, đây là tiểu hành tinh có quỹ đạo ngắn nhất từng được ghi nhận.
Theo Sci-News, vì ở quá gần trường hấp dẫn khổng lồ của Mặt Trời nên tiểu hành tinh này chịu tác động khủng khiếp hơn bất kỳ vật thể không gian nhỏ bé nào từng được biết đến. Quỹ đạo của nó có một độ lệch nhỏ theo thời gian và điều này có thể dẫn đến cú tự sát trong vòng 1 triệu năm, khi nó lao thẳng vào Sao Thủy hoặc Sao Kim - hành tinh gần Trái Đất nhất.
Do ở gần Mặt Trời, tiểu hành tinh này có nhiệt độ lên tới 482 độ C, đủ để nấu chảy chì.
Hiện tiểu hành tinh đã đi "vòng phía sau" Mặt Trời, khuất khỏi tầm nhìn của người Trái Đất do đó các nhà khoa học chỉ có thể tiếp tục quan sát vào đầu năm sau. Có lẽ đến khi đó, nó sẽ được đặt một cái tên chính thức.
Phát hiện vừa được công bố trên tạp chí Minor Planet Electronic Circular.
Bình luận (0)