Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Queenie Chna từ Khoa Khoa học Trái Đất, Đại học Royal Holloway (Anh) đã phân tích 25143 Itokawa, một tiểu hành tinh loại S bay gần Trái Đất. Họ phát hiện ra nó đầy nước và chất hữu cơ!
Tiểu hành tinh Itokawa - Ảnh: JAXA
Đó chưa phải là toàn bộ bản chất gây kinh ngạc của tiểu hành tình. Bài công bố trên tạp chí Science tiết lộ vật thể này được hình thành nhờ quá trình tái hợp các vật liệu từ tiểu hành tinh ban đầu đã vỡ nát. Chất hữu cơ bên trong cho thấy cơ thể mẹ của tiểu hành tinh đã từng bị đốt nóng lên tới hơn 600 độ C. Quá trình này có thể làm "sụp đổ" các chất hữu cơ nguyên thủy nhưng lại tạo ra một dạng chất hữu cơ mới.
Kết quả phân tích hàng nghìn hạt regolith - loại vật liệu hành tinh đặc biệt - từ 10-200 micro mét của Itokawa, do tàu vũ trụ Hayabusa của Nhật Bản đem về từ sứ mệnh năm 2010, đã cho thấy tiểu hành tinh này vẫn không ngừng phát triển. Nó liên tục thu thập nước từ bụi không gian và thiên thạch gần đó để nuôi dưỡng các phân tử hữu cơ. Các phân tử hữu cơ này cũng không ngừng tiến hóa, tạo ra các dạng thức mới ngày một phức tạp.
Theo Sci-New, các tác giả tin rằng tiểu hành tinh thú vị này đang tiến hóa rất giống với Trái Đất tiền sinh học. Chưa rõ các phân tử tiền sự sống này có thể tiến hóa tới đâu, bởi dù gì nó cũng chỉ là một tiểu hành tinh bé nhỏ, nhưng chắc chắn đó sẽ là một "phòng thí nghiệm" thú vị để nghiên cứu về khởi nguồn sự sống Trái Đất.
Cũng có thể trong giai đoạn sơ khai của Trái Đất, một hay nhiều tiểu hành tinh tương tự đã tìm đến và "gieo mầm" những phân tử hữu cơ đang tiến hóa này đến hành tinh chúng ta, nơi có một môi trường thuận lợi để các khối xây dựng sự sống này thực sự biến thành sinh vật.
Bình luận (0)