Theo SciTech Daily, "sao ma quỷ" tình cờ được ghi lại bởi Kính viễn vọng không gian Hubble và được các nhà khoa học từ Đại học California ở Berkeley (UC Berkeley) - Mỹ nghiên cứu.
Các phép đo tiết lộ đó là một vật thể nhỏ gọn nhưng nặng bất thường, khối lượng ước tính từ 1,6 đến 4,4 triệu Mặt Trời. Nó là cái gì, có rất nhiều giả thuyết, rất nhiều tranh cãi, và chưa ai có thể khẳng định đáp án dù đã hiểu được những tính chất cơ bản của vật thể.
Ảnh đồ họa mô tả "sao ma quỷ" - Ảnh: SCITECH DAILY
Được gọi tên là OB110462, "sao ma quỷ" có khả năng cao nhất là một lỗ đen hoặc một sao neutron - hai dạng tàn tích của những ngôi sao khổng lồ đã chết, nhưng khác thường so với các "thây ma" sao khác.
Tuy nhiên dù là lỗ đen hay sao neutron, vật thể này vẫn là tàn tích của sao tối đầu tiên - một "bóng ma sao" - được phát hiện lang thang trong thiên hà mà không kết đôi với một ngôi sao bào khác.
Phó giáo sư Jessica Lu, một trong 2 thành viên dẫn đầu nhóm nghiên cứu, bày tỏ kỳ vọng: "Đây là lỗ đen hay sao neutron trôi nổi tự do đầu tiên được phát hiện bằng phương pháp gravitational microlensing. Với microlensing, chúng tôi có thể thăm dò những vật thể cô đơn, nhỏ gọn này và cân chúng. Tôi nghĩa chúng ta đã mở ra một cửa sổ mới nhìn vào những vật thể tối tăm này".
Gravitational microlensing là một phương pháp quan sát dựa vào hiệu ứng quang học, được nhà bác học Albert Einstein đặt nền móng vào năm 1936 bằng cách sử dụng Thuyết Tương đối rộng của ông: Khi một ngôi sao trên bầu trời đi qua trước ngôi sao khác, các tia sáng của ngôi sao phía sau sẽ bị bẻ cong do "lực hút" hấp dẫn của ngôi sao tiền cảnh.
Tuy nhiên mãi đến gần đây, các nhà khoa học mới thành công trong việc chuyển lý thuyết thành các phương pháp quan sát hiệu quả.,
Việc xác định tần suất của các "sao ma quỷ" này cư trú trong thiên hà Milky Way chứa Trái Đất sẽ giúp các nhà thiên văn hiểu thêm về sự tiến hóa của các ngôi sao, đặc biệt là cách chúng chết. Họ cũng kỳ vọng một số sao ma quỷ thực ra là các lỗ đen nguyên thủy, đã được sản xuất với số lượng lớn ngay trong vụ nổ Big Bang.
Nghiên cứu vừa công bố trực tuyến và đã được chấp thuận bởi tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters.
Bình luận (0)