Nguồn cảm hứng
Những năm 1950, ngành máy tính vẫn còn trong giai đoạn non nớt. Vận hành một cỗ máy tính to lớn kềnh càng vốn rất chậm chạp và phức tạp. Vào lúc đó, việc tương tác với máy tính dễ dàng gần như chỉ có trong khoa học viễn tưởng nhưng đó chính là điều đã nảy ra trong tâm trí của Engelbart.
Douglas Carl Engelbart, sinh ra tại Oregon - Mỹ. Ông tham gia quân ngũ trong những ngày còn trai trẻ, làm việc với vai trò là một kỹ thuật viên radar. Một ngày nọ, trong khi đồn trú tại đơn vị, ông đọc bài viết mang tên As we may think (tạm dịch: Như chúng ta nghĩ) của Vannevar Bush, mô tả một hệ thống thu thập thông tin mang tên Memex. Ý tưởng từ bài viết này ám ảnh Engelbart, trở thành mục tiêu của cuộc đời ông. Sau khi giải ngũ, ông làm việc tại phòng thí nghiệm không gian Ames Research Center, thuộc NACA (tiền thân của NASA). Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Engelbart lập nên một nhóm nghiên cứu mang tên Augmentation Research Center (ARC) tại Viện Nghiên cứu Stanford (SRI). ARC, được sự trợ cấp từ quân đội Mỹ lẫn NASA, nhắm vào việc tạo nên những bứt phá mới trong công nghệ máy tính. Mặc dù vậy, Engelbart vẫn bị xem là một người mơ mộng trong cộng đồng khoa học gia máy tính.
Engelbart vẫn tin rằng công nghệ và khoa học sẽ được tăng tốc rất nhiều nếu có một đột phá trong khả năng làm việc với máy tính, đặc biệt là làm việc nhóm và chia sẻ máy. Cùng thời gian này, công nghệ máy tính đã phát triển đủ khả năng cho một hệ thống tương tự như Memex và có thể sản xuất hàng loạt. Đối với Engelbart, đây chính là thời khắc mà ông mong đợi.
Thời khắc lịch sử
Vào ngày định mệnh 8-12-1968, Engelbart làm chấn động ngành công nghệ máy tính với một cuộc trình diễn công nghệ trước hàng ngàn nhà khoa học tại hội nghị Fall Joint Computer ở San Francisco - Mỹ. Tại đây, GS Engelbart giới thiệu hàng loạt ý tưởng công nghệ tương tác với máy tính vượt xa tầm suy nghĩ của giới công nghệ cùng thời, trong đó có làm việc với hệ thống mạng, khả năng chia sẻ thông tin giữa người dùng. Những công nghệ này về sau góp phần quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc của mạng máy tính và mạng máy tính sơ khai, những tính năng như soạn thảo văn bản, video và quản lý thông qua thư viện tập tin…
Đặc biệt, trong quá trình diễn giải, Engelbart thao tác bằng một con trỏ nhỏ gọn được gọi là “computer mouse” (chuột máy tính). Đây là một sáng chế mà ông đã phải bỏ ra hơn 4 năm trời thử nghiệm. Ý tưởng của chuột máy tính đến với Engelbart khi ông muốn tạo ra một thiết bị để tương tác bằng “cursor” (con trỏ) với các yếu tố đồ họa trên màn hình. Ông đưa bản thiết kế ban đầu cho William English, một kỹ sư đồng nghiệp tại SRI, người mà cùng với sự trợ giúp của một thợ thủ công đã tạo nên con chuột máy tính đầu tiên với 3 nút bấm và có vỏ làm bằng gỗ thông.
Những ý tưởng và công nghệ mà GS Engelbart đưa ra làm kinh ngạc những người tham dự. Hàng chục năm sau, người ta vẫn còn gọi cuộc trình diễn công nghệ này là “cuộc trình diễn công nghệ đầu tiên”. Những ý tưởng về giao diện thư viện tập tin trở thành hệ thống giao diện cửa sổ (windows) mà sau này được cải tiến bởi Xerox và được đưa vào công nghệ máy tính phổ thông bởi cả Microsoft lẫn Apple trong những năm 1980. Khi đó cũng là lúc mà Steve Jobs đưa chuột máy tính vào hệ thống máy tính cá nhân của Apple, biến nó thành một thiết bị tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nhà cách mạng công nghệ quá cố Steve Jobs chỉ muốn sử dụng 1 nút duy nhất trên chuột cho đơn giản, khác với suy nghĩ “càng nhiều nút càng tốt” của Engelbart.
Người khổng lồ Nếu không có những phát kiến của Douglas Carl Engelbart, chúng ta sẽ không có được khả năng sử dụng máy tính cá nhân dễ dàng như ngày nay. Ông không những sáng tạo ra nhiều ý tưởng tương tác mà còn là một trong những người đầu tiên thấy được tiềm năng khổng lồ của ngành công nghệ thông tin non trẻ vào thời điểm đó. Engelbart là người khổng lồ, thậm chí còn tiên đoán được quá trình tăng trưởng về công năng và thu nhỏ về kích thước của máy tính, hay sau này còn gọi là “Moore’s law” (Luật Moore - đặt theo tên của nhà sáng lập Intel). |
Bình luận (0)