Theo Heritage Daily, bằng chứng từ mảnh vỏ trứng đà điểu cổ đại đã tiết lộ thông tin quan trọng về sự biến đổi khí hậu khắc nghiệt mà tổ tiên loài người từng phải hứng chịu. Đó không đơn thuần là thiên tai dẫn đến một vài năm khó khăn như ngày nay, mà là sự biến đổi từ "vườn địa đàng" thành đất chết.
Mảnh vỏ trứng đặc biệt - Ảnh: Đại học Exeter
Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sĩ Philip Kiberd và Tiến sĩ Alex Pryor từ Đại học Exeter đã nghiên cứu các đồng vị và axit amin từ các mảnh vỏ trứng đà điểu được khai quật tại di chỉ đầu thời đại đồ đá giữa tại Trang trại Bundu, vùng Karoo, phía trên Northern Cape. Đây là một trong số rất ít các di chỉ có niên đại từ 250.000-350.000 năm ở miền nam châu Phi, là quãng thời gian gắn liền với sự xuất hiện sớm nhất của các cộng đồng có dấu hiệu di truyền của người Homo sapiens chúng ta.
Mảnh vỏ trứng đặc biệt đã tiết lộ trọn vẹn điều kiện khí hậu của thời điểm đó. Kết hợp với một số dữ liệu tại chỗ khác, các nhà khoa học nhận thấy vùng đất cằn cỗi này từng là một "vườn địa đàng" của loài người và vô số động vật khác, bao gồm nhiều loài đã tuyệt chủng.
Nhưng vào thời điểm quả trứng bí ẩn kia ra đời - 200.000 năm trước, sự biến đổi đã vào giai đoạn then chốt nhất - vùng đất khô cạn và trở thành đất chết nhanh chóng. Điều này đã tác động rất xấu lên con người cổ đại, cắt đứt nguồn sống của họ. Nhưng khó khăn này lại là một động lực rất lớn để thúc đẩy tiến hóa, thông qua việc những người sống sót phải thông minh hơn để tồn tại, chế ra nhiều công cụ phục vụ cuộc sống hơn, thậm chí di cư để chống chọi thiên nhiên khắc nghiệt.
Nhiều vùng ở châu Phi có thể đã nhiều lần chuyển từ giai đoạn khô cằn sang ẩm ướt và ngược lại, làm xáo trộn đời sống của con người và thúc đẩy tiến hóa mạnh mẽ.
Sở dĩ trứng đà điểu đem lại nhiều thông tin đến thế là vì loài vật này ăn lá tươi nhất của các loài cây trong khu vực, vì thế vỏ trứng phản ánh chi tiết chế độ ăn uống của chúng, từ đó giúp biết hệ thực vật của khu vực đó như thế nào.
Bình luận (0)