Sử dụng thiết bị ULTRACAM trên Kính viễn vọng Công nghệ mới 3,5 m của Đài thiên văn Nam Âu (ESO) đặt tại Đài quan sát La silla ở Chile và Vệ tinh Khảo sát ngoài hành tinh TESS của NASA, các nhà thiên văn học dẫn đầu bởi giáo sư Jay Farhi từ Đại học London (Anh) đã ghi lại những thay đổi ánh sáng đáng chú ý từ ngôi sao lùn trắng WD 1054-226, theo tờ Sci-News.
Ảnh đồ họa mô tả hệ sao lùn trắng bí ẩn vừa được tìm thấy, với một hành tinh sống được giống Trái Đất quay quanh sao mẹ là "xác sống" - Ảnh: Mark A. Garlick
Họ phát hiện ra những vệt sáng rõ rệt tương ứng với 65 đám mây mảnh vụn hành tinh cách đều nhau, quay quanh ngôi sao sau mỗi 25 giờ. Các mảnh vụn này có kích thước và cấu trúc như mặt trăng, sắp xếp thành vòng.
Sự đều đặn của các cấu trúc quá cảnh nói trên cho thấy chúng phải được giữa trong sự tương tác hấp dẫn ổn định giữa sao lùn trắng trung tâm và một hành tinh, được cho là có kích thước tương đương các hành tinh đá của Hệ Mặt Trời.
Theo Daily Mail, tuy chưa thể quan sát trực tiếp hành tinh nhưng vị trí các đám mây mảnh vụn cho thấy hành tinh trong bóng tối này phải nằm ở khoảng cách 2,5 triệu km, bằng 1,7% khoảng cách Trái Đất và Mặt Trời.
Dựa vào các tính chất của ngôi sao trung tâm, hành tinh này phải nằm trong vùng sự sống Goldilocks của hệ sao.
Điều đặc biệt hơn, đó là một hành tinh mới được sinh ra gần đây. Sao lùn trắng vốn là một "xác sống" của vũ trụ, đã trải qua một lần "chết" vì cạn năng lượng. Giữa giai đoạn sao "sống" như Mặt Trời và sao lùn trắng, ngôi sao sẽ trải qua giai đoạn "sao khổng lồ đỏ": bất ngờ phình to lên và nuốt chửng một số hành tinh gần nó.
"Hành tinh trong bóng tối" nằm trong khu vực bị nuốt chửng nếu đã tồn tại từ trước giai đoạn sao khổng lồ đỏ, do đó nó phải là một hành tinh sinh ra sau khi ngôi sao đã trở thành sao lùn trắng. Đây không phải là lần đầu các nhà khoa học ghi nhận hiện tượng sao lùn trắng tưởng đã chết nhưng vẫn sinh ra hành tinh.
Nghiên cứu vừa công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
Bình luận (0)