Mang thai, phải tuyệt đối tránh ra nắng?
Ánh nắng mặt trời là nguồn cung vitamin D khá quan trọng cho thai phụ, do đó không nên suốt ngày ru rú trong nhà tránh nắng. Tuy nhiên nếu phơi nắng quá lâu có thể gây tổn thương da ở mức độ nhẹ hoặc nặng. Do đó điều quan trọng là cần chú ý tới những nguy cơ chính cho da từ ánh nắng. Trước tiên, được biết đến nhiều nhất là chứng nám da, dễ bắt gặp ở một nửa số thai phụ không che chắn khi tiếp xúc với ánh nắng. Nó xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ, và dưới dạng một vùng tăng sắc tố ở cằm, xung quanh miệng, trán. Vì vậy, thai phụ nên thoa kem chống nắng.
Bên cạnh đó cũng nên lưu ý đến chứng dị ứng với ánh nắng do sự thay đổi miễn dịch ở phụ nữ mang thai. Nó có thể xuất hiện dưới dạng những mảng mề đay màu đỏ gây ngứa. Chứng dị ứng này có thể chữa bằng cách dùng các thuốc kháng histamine, và dừng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nếu cần.
Tiếp xúc ánh nắng nhiều sẽ gây hại cho thai nhi?
Không hẳn vậy! Ngược lại, ánh nắng có thể tác động khiến các tế bào biểu bì sản sinh ra lượng vitamin D cần thiết làm chắc xương của người mẹ cũng như thai nhi. Một số nghiên cứu gần đây cũng đã chứng minh vai trò và ích lợi của vitamin D đối với men răng sữa ở trẻ sau này. Cũng vì lý do này mà các bác sĩ thường kê toa vitamin D ở 3 tháng cuối thai kỳ cho thai phụ.
Phơi nắng dễ làm đen da và khó phục hồi?
Nhiều thai phụ lo sợ việc phơi nắng sẽ làm đen sắc tố da và sau này khi sinh con xong sẽ khó lấy lại được làn da trắng sáng như trước đây. Đây là lo lắng hơi quá đà, bởi sau khi sinh xong, nhất là lại phải ở nhà trong một thời gian dài để nghỉ hộ sản, làn da của thai phụ sẽ sớm trở lại như ban đầu.
Có nên làm ẩm nhiều hơn khi tiếp xúc với ánh nắng?
Phụ nữ mang thai có thân nhiệt cao hơn bình thường, do đó hay đổ mồ hôi nhiều hơn một tí và thường phải chịu cùng lúc cái nóng và sự mất nước. Vào mùa hè, thai phụ nên uống nhiều nước hơn. Ngoài ra, nhớ dùng thêm trái cây tươi.
Bình luận (0)