Mỗi khi được kích hoạt, truyền thống quý báu ấy đã biến thành những phong trào thi đua yêu nước, với nội hàm có sức thuyết phục, lan tỏa thành năng lượng tinh thần, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Người nêu rõ: "Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa". Lời kêu gọi ấy như lời hiệu triệu, được sự hưởng ứng đồng lòng của toàn dân, toàn quân, kết thành sức mạnh vĩ đại.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1945 đến 1954, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta phát động. Lúc bấy giờ, nhiều khẩu hiệu đã lan tỏa mạnh mẽ như: "Ruộng rẫy là chiến trường/ Cuốc cày là vũ khí/ Nhà nông là chiến sĩ/ Hậu phương thi đua với tiền phương"; "Người người thi đua/ Nhà nhà thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua". Từ những phong trào thi đua này, tinh thần yêu nước được cộng hưởng, tạo ra làn sóng tự nguyện cống hiến.
Trong thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước từ năm 1954 đến 1975, các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong các ngành, các giới một cách toàn diện. Điển hình là những phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy sức mạnh lớn lao như: "Gió Đại Phong" trong nông nghiệp, "Sóng Duyên Hải" trong công nghiệp, "Trống Bắc Lý" trong giáo dục, "Ba nhất" trong quân đội, "Ba sẵn sàng" và "Năm xung phong" trong thanh niên, "Ba đảm đang" trong phụ nữ, "Dũng sĩ diệt Mỹ" ở tiền tuyến miền Nam...
Sức mạnh của việc thi đua ái quốc cũng đã lan tỏa sâu rộng trong công cuộc đổi mới. Kết quả là từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, đến nay, nước ta đã nằm trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, ngày càng có vị thế trên trường quốc tế...
Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta xác định: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, nhằm đưa đất nước ta từng bước phát triển hùng cường, thịnh vượng.
Năm 2025, Đảng ta xác định là năm bản lề để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển. Do đó, việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước rất cần được kích hoạt và lan tỏa mạnh mẽ, trước hết là ở mỗi cán bộ, đảng viên và từ đó lan tỏa trong toàn dân.
Bình luận (0)